Tiếng Việt | English

29/12/2018 - 14:30

Kỳ vọng vụ Đông Xuân bội thu

Do có sự chủ động ngay đầu vụ nên nông dân trên địa bàn tỉnh Long An tự tin xuống giống vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2018-2019 và đang kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu.

Mong vụ mùa thắng lợi

Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ trên 188.828ha lúa, tập trung chủ yếu ở các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, bằng 183,7% so cùng kỳ năm 2017. Các giống lúa được nông dân sử dụng phổ biến trong vụ này phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường: Bộ giống lúa thơm nhẹ cao sản ngắn ngày gồm ST, RVT, Nàng hoa 9, Đài thơm 8, Jasmine 85,...; bộ giống chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu: OM 5451, OM 4900, OM 7347,... 

Những ngày qua, nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười tất bật vệ sinh đồng ruộng và xuống giống vụ lúa ĐX 2018-2019. Đang tranh thủ vệ sinh đồng ruộng và đánh đường nước chuẩn bị xuống giống cho hơn 1ha đất của gia đình, anh Nguyễn Văn Non (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) nói: “Vụ ĐX là vụ chính của năm nên nông dân mong sẽ được mùa, trúng giá. Thời gian qua, nhờ có trạm bơm mà nhiều nông dân ở đây không còn lo cảnh trực bơm rút nước vào ban đêm như những năm trước. Ngoài ra, khi có trạm bơm, nông dân gieo sạ đồng loạt và canh tác cùng loại giống nên rất dễ trong khâu chăm sóc và bán lúa”.

Nông dân kỳ vọng một vụ mùa bội thu

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải cho biết: “Để vụ lúa ĐX đạt thắng lợi, trước khi vào vụ sản xuất, ngành phổ biến khung lịch thời vụ xuống giống để nông dân biết và chọn thời điểm gieo sạ phù hợp nhằm né rầy hiệu quả. Năm nay, địa phương chủ động mời gọi doanh nghiệp đến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trực tiếp với nông dân. Hiện trên địa bàn có 4 doanh nghiệp đến hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên 1.500ha và dự kiến diện tích này sẽ tăng hơn do doanh nghiệp còn tiếp tục gặp gỡ nông dân để hợp tác. Giá sàn bảo hiểm ký kết cao hơn giá thị trường nên tạo sự phấn khởi vào đầu vụ xuống giống cho nông dân”.

Theo nhận định của nông dân, năm nay, nước lũ về tương đối lớn nên mang theo lượng phù sa nhiều, đây là điều kiện giúp việc sản xuất lúa được thuận lợi vì khả năng sẽ giảm bón phân nhưng kỳ vọng trúng mùa hơn so với vụ khô hạn năm rồi. Vừa gieo sạ xong 2ha lúa giống OM 5451, anh Nguyễn Thanh Bình (xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng) bộc bạch: “Năm nay, lũ về mang nhiều phù sa, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân sản xuất đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, khi thấy được lợi ích của việc sử dụng giống xác nhận nên nhiều năm nay, hầu hết nông dân ở đây đều sử dụng. Tuy giá lúa giống có đắt hơn so với lúa thường nhưng bù lại, nông dân sản xuất bảo đảm chất lượng, đạt năng suất cao và bán được giá. Điều mà nông dân quan tâm trong lúc này là làm thế nào sản xuất lúa đạt năng suất cao, còn chuyện giá cả thì đã an tâm vì có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ngay đầu vụ”. Từ những tín hiệu tích cực trên, hy vọng vụ lúa ĐX 2018-2019, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ được một vụ mùa bội thu.

Tập trung chăm sóc

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Để vụ ĐX 2018-2019 đạt hiệu quả, ngành cùng địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất theo lịch gieo sạ né rầy đợt 3 từ ngày 15 đến 30/12/2018 nhằm hạn chế sự xuất hiện của sinh vật gây hại và nguy cơ thiếu nước ngọt vào cuối vụ; tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên thăm đồng, chú ý ốc bươu vàng, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn lá, ngộ độc phèn, chuột, bọ trĩ,... Bên cạnh đó, ngành tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác điều tra, dự tính, dự báo, thông báo kịp thời khả năng phát sinh của sâu, bệnh hại quan trọng để có biện pháp xử lý, hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra ở mức thấp nhất; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất với nhiều hình thức phong phú, tập trung tuyên truyền, tập huấn cho nông dân ứng dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Quản lý dịch hại tổng hợp IPM”, “Công nghệ sinh thái”,...

Các địa phương tăng cường rà soát hệ thống kênh, mương nội đồng, cái nào hư hỏng hoặc chưa bảo đảm phục vụ sản xuất phải khắc phục để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, tập trung công tác chỉ đạo, điều hành về thời vụ, cơ cấu giống, các giải pháp kỹ thuật áp dụng trong sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh giảm lượng giống lúa gieo sạ, sử dụng những giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường, tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm và sử dụng cấp giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng, cứng cây, ít đổ ngã, chống chịu sâu, bệnh, khô hạn tốt và phải chú ý đến chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết