Tiếng Việt | English

01/12/2018 - 06:55

Lãi suất cho vay tăng, doanh nghiệp lo nguy cơ thua lỗ

Thời điểm cuối năm, nhiều ngân hàng dồn dập tăng lãi suất cho vay, doanh nghiệp lo ngại, chi phí lãi vay tăng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Lãi suất huy động tăng kéo lãi suất cho vay tăng theo

Trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng đã vào “cuộc đua” tăng lãi suất huy động. Cụ thể, mới đây, biểu lãi suất huy động được Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank công bố tiếp tục tăng lên 0,1% so với mức lãi suất huy động của tháng 10.

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng tăng nhẹ. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng là 4,8%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 5%/năm, 6-11 tháng là 6%/năm.

Tại OCB, trong những ngày đầu tháng 11, ngân hàng này cũng thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng tăng 0,1-0,2%/năm tại một số kỳ hạn…

Theo nhận định từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng đã phần nào tác động tới lãi suất cho vay. Nguyên nhân do thanh khoản ngân hàng mang tính chất mùa vụ, cứ đến cuối năm sẽ có sự căng thẳng đôi chút. 

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại đang phải chuẩn bị đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 01/01/2019, tỷ lệ áp dụng với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm xuống còn 40%.

Chính vì vậy, nhiều ngân hàng buộc phải tăng huy động kỳ hạn dài bằng công cụ lãi suất để hút tiền về nhằm đảm bảo tỷ lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. 

 Hiện, mặt bằng lãi suất huy động đã tương đương cuối năm 2017. Trong khi lãi suất cho vay vừa được một số ngân hàng điều chỉnh thêm 0,2 - 1%, đưa lãi suất ngắn hạn dao động từ 7 - 9%/năm, còn lãi suất trung - dài hạn từ 9 - 12,5%/năm.

Lãi suất cho vay tăng dịp cuối năm khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. (Ảnh minh họa: KT)

Lãi suất cho vay tăng, doanh nghiệp gặp khó

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, việc lãi suất cho vay có xu hướng tăng trong thời điểm cuối năm là điều không một doanh nghiệp nào mong muốn, thậm chí là lo lắng. Bởi ngoài chi phí lãi vay tăng lên sẽ kéo theo nhiều chi phí khác cùng tăng lên. Nếu không tính toán hợp lý, doanh nghiệp có thể bị thua lỗ thậm chí phải rời bỏ thị trường. 

Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phẩn miến dong miền Nam, thương hiệu miến Vương cho biết, việc tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng trong thời điểm cuối năm tác động lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn vốn hạn chế. Phần lớn loại hình doanh nghiệp này phải sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, khi ngân hàng tăng lãi suất thì dẫn đến chi phí đầu vào, chi phí tài chính của doanh nghiệp cũng tăng lên, ảnh hưởng đến tổng chi phí của doanh nghiệp. 

Ông Sang tính toán, hiện tại, chi phí lãi vay của công ty chiếm khoảng 20%  tổng số nguồn vốn, khi lãi suất tăng, sẽ ảnh hưởng từ 5-7% tổng chi phí. 

Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có những ưu đãi nhất định từ các ngân hàng theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thế nhưng, với các doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực hạn chế, mức lãi suất này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. 

Ông chủ của cơ sở sản xuất miến dong lo ngại, lãi suất cho vay tăng đồng nghĩa với chi phí của doanh nghiệp tăng thêm, dẫn đến khả năng ổn định giá cả về cuối năm cho sản phẩm tiêu dùng thiết yếu sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Bởi với chương trình bình ổn giá, doanh nghiệp muốn hướng đến tiêu chí ổn định giá cả cho người tiêu dùng, nếu chi phí tăng, để giữ ổn định giá, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận giảm lợi nhuận. Còn nếu doanh nghiệp tăng giá thì lượng hàng tiêu thụ sẽ bị giảm xuống và người tiêu dùng sẽ có những lựa chọn khác thay thế, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số bán hàng và doanh thu của doanh nghiệp. 

Còn theo ông Vũ Huy Thủ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Đại Dương Xanh, khi lãi suất cho vay tăng lên thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Điều này sẽ hạn chế việc vay vốn, hạn chế việc đầu tư vào các dự án của doanh nghiệp, bởi cuối năm là thời điểm doanh nghiệp cần nhiều vốn để đầu tư, quay vòng, cân đối vốn để phục vụ cho chu kỳ sản xuất mới trong năm tới.

“Do lãi suất ngân hàng tăng cao hơn so với thời điểm khác trong năm, để việc sản xuất được ổn định, doanh nghiệp sẽ cố gắng cắt giảm các chi phí không cần thiết, đồng thời chủ động tìm kiếm nguồn hỗ trợ, xúc tiến thương mại với các đối tác, tăng thời hạn thanh toán để đảm bảo việc xoay vòng vốn của doanh nghiệp được đạt như kỳ vọng và thanh toán các khoản khác đúng hạn”, ông Vũ Huy Thủ chia sẻ.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, việc tăng lãi suất mang tính chu kỳ, bởi các ngân hàng đẩy mạnh hút tiền nhàn rỗi để sẵn sàng nguồn vốn cho doanh nghiệp vay dịp đầu năm mới. 

Nhìn rộng ra các nền kinh tế mới nổi như: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, các quốc gia này đã liên tục nâng lãi suất trong năm 2018 nhằm kiềm chế lạm phát. Đồng tiền của các nước đều mất giá đáng kể nên xu hướng tăng lãi suất ở Việt Nam là khó tránh khỏi. BVSC dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam sẽ tăng thêm 0,5%-1% trong năm 2019./.

Chung Thủy/VOV.VN

Chia sẻ bài viết