Tiếng Việt | English

26/02/2024 - 14:56

Làm Chay - nhìn lại sau lễ hội

Sau 3 ngày diễn ra, đêm 16 tháng Giêng, nghi thức đốt Ông Tiêu chính thức khép lại Lễ hội Làm Chay năm 2024 với nhiều hoạt động ý nghĩa, đậm tính nhân văn và vài điều cần nhìn lại!

Hơn 200 suất quà được tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn tại gian hàng 0 đồng thuộc Lễ hội Làm Chay (Trong ảnh: Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Lê Quốc Dũng trao hàng hóa 0 đồng cho người nhận)

1. Có lẽ, “nhân văn” chính là từ khóa của Lễ hội Làm Chay, bởi từ ý nghĩa, mục đích ban đầu của lễ hội đến các nghi thức cúng bái và những hoạt khác thuộc khuôn khổ lễ hội đều nổi bật lên điều đó.

Lễ hội Làm Chay được tổ chức nhằm tri ân các anh hùng dân tộc, những nghĩa sĩ yêu nước. Các nghi lễ cúng tế, cầu nguyện được thực hiện bài bản, đậm nét truyền thống nhằm cầu mong “mưa thuận gió hòa”, “quốc thái dân an”, cầu siêu cho các chiến sĩ yêu nước, anh hùng liệt sĩ, người quá cố cũng như tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân có công khai phá, mở mang và phát triển vùng đất này. Nghi thức cúng tại Lễ hội Làm Chay thể hiện sự dung hòa giữa các tôn giáo với nhau qua việc tổ chức luân phiên các nghi thức của Phật giáo, Cao Đài và tổ nghi lễ của Ban Quản lý di tích đình Tân Xuân.

Hoạt động chiêu u là một trong những phần quan trọng nhất của Lễ hội Làm Chay nhằm cầu siêu cho các vong linh không nơi nương tựa trên địa bàn toàn huyện. Đoàn chiêu u nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và là “điểm nhấn” tạo nên phần hội trong Lễ hội Làm Chay. Cũng như các năm trước, nhằm bảo đảm an ninh, trật tự cho đoàn chiêu u, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động tham gia điều tiết giao thông, giữ gìn an ninh, trật tự trong suốt quá trình diễn ra nghi thức.

Lễ hộ Làm Chay được biết đến là lễ hội đầy ắp tiếng cười (Ảnh: Tiến Nguyễn)

Lễ hội Làm Chay được biết đến là lễ hội đầy ắp tiếng cười (Ảnh: Tiến Nguyễn)

Lễ hội năm nay thu hút lượng lớn người dân và du khách đến tham gia. Từ đêm 15 tháng Giêng, lượng khách đổ về bắt đầu đông dần lên, một số điểm giữ xe do Ban Tổ chức bố trí rơi vào tình trạng quá tải. Bếp ăn trai đàn thí thực tại đình Tân Xuân đỏ lửa suốt từ 8-20 giờ mỗi ngày để phục vụ các suất ăn cho khách thập phương. Khu vực ăn uống được bố trí bên hiên trái của đình, các bàn ăn được chuẩn bị liên tục, người phục vụ bếp hầu như không một phút ngơi tay nhưng niềm vui, tiếng cười luôn thường trực. Anh Nguyễn Châu Huân (quản lý bếp ăn tình thương xã Dương Xuân Hội) cho biết: “Để chuẩn bị phục vụ trai đàn tại Lễ hội Làm Chay, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị từ ngày mùng 10 tháng Giêng. Đêm 13 tháng Giêng, các cô, chú, anh, chị có mặt tại bếp ăn của đình để sơ chế nguyên liệu, nấu vào sáng ngày 14. Tham gia phục vụ lễ hội có khoảng 40 thành viên của bếp, ai cũng rất nhiệt tình, vừa muốn góp công sức cho lễ hội thành công, vừa cầu chúc cho người dân trong huyện có một năm mới bình an, thuận lợi”.

2. Ngoài các hoạt động lễ, hội như thường lệ, năm nay, Lễ hội Làm Chay có các gian hàng 0 đồng dành cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Với tấm lòng hướng về lễ hội và mong muốn chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, một số nhà hảo tâm tài trợ kinh phí mua các nhu yếu phẩm: Gạo, dầu ăn, đường, bột ngọt,... tặng những người có hoàn cảnh khó khăn vào chiều ngày 15 tháng Giêng. Hơn 200 suất quà mang đến niềm vui cho người trao và người nhận.

Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành phối hợp UBND thị trấn Tầm Vu tổ chức Hội thi gói bánh tét trong chuỗi hoạt động Lễ hội Làm Chay. Toàn bộ nguyên, vật liệu gói bánh do nhà hảo tâm tài trợ. Bánh tét sau khi chấm điểm, trao giải được phụng cúng trong đình và mời người dân tham gia lễ hội thưởng thức.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành - Trần Thị Cẩm Ngân chia sẻ: “Gói bánh tét và gian hàng 0 đồng là hoạt động mới nhưng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hội viên, phụ nữ và người dân địa phương. Hội sẽ nỗ lực duy trì, phát triển các hoạt động này trong những mùa lễ hội sau”.

3. Bên cạnh những nét đẹp truyền thống, hiện đại cùng các giá trị nhân văn nổi bật, Ban Tổ chức Lễ hội Làm Chay nhận định, mùa lễ hội năm nay còn một số điều cần nhìn lại. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Hà Minh Tuấn, trong quá trình diễn ra hoạt động chiêu u, có một số trường hợp người bên đường tạt nước vào đoàn chiêu u. Khi nắm bắt được thông tin, lãnh đạo huyện yêu cầu tăng cường ngay lực lượng an ninh để giữ gìn trật tự; đồng thời, kiểm điểm, nhắc nhở Ban Tổ chức mùa lễ hội năm nay! 

Việc tạt nước vào đoàn chiêu u vốn là hoạt động của người dân tham gia lễ hội, đã có từ lâu, nhằm tăng không khí vui tươi. Tuy nhiên, việc tạt nước hoặc các hoạt động tự phát hưởng ứng lễ hội cần được kiểm tra chặt chẽ, tuyên truyền, nhắc nhở người dân tránh tình trạng quá khích, tạo hình ảnh xấu và tiềm ẩn nguy hiểm!

Các nghi lễ cúng tế, cầu nguyện được thực hiện bài bản, đậm nét truyền thống (Ảnh: Tiến Nguyễn)

Các nghi lễ cúng tế, cầu nguyện được thực hiện bài bản, đậm nét truyền thống (Ảnh: Tiến Nguyễn)

Bên cạnh đó, việc tăng cường bố trí các thùng rác công cộng trong khu vực lễ hội cũng cần được chú trọng, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người tham gia lễ hội. 

Trước một số hạn chế tại Lễ hội Làm Chay năm 2024, UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Tổ chức lễ hội đánh giá lại và rút kinh nghiệm trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và triệt để ngăn chặn những hoạt động “ăn theo”, không đúng với truyền thống, làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa của lễ hội này.

“Sau khi Lễ hội Làm Chay năm 2024 khép lại, Ban Tổ chức lễ hội đã nghiêm túc rút kinh nghiệm về những sai sót trong quá trình diễn ra lễ hội, hướng đến việc tổ chức tốt hơn trong các mùa lễ hội sau”, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Hà Minh Tuấn khẳng định. 
Lễ hội Làm Chay, cái tết thứ 2 của người dân Châu Thành, ngày càng thu hút đông đảo người dân và khách thập phương đến tham gia. Sau hơn trăm năm được gìn giữ và phát triển, Lễ hội Làm Chay vẫn là nơi mang đến niềm vui cũng như thể hiện sự hào sảng, nhân văn của đất và người Châu Thành nói riêng và Long An nói chung. Nhiều năm nay, Lễ hội Làm Chay vẫn là lễ hội đầy ắp tiếng cười./. 

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết