Tiếng Việt | English

18/10/2023 - 08:33

Lan tỏa phong trào thanh niên khởi nghiệp

Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, nhiều thanh niên (TN) tận dụng những lợi thế sẵn có xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến nay, trong tỉnh có nhiều mô hình khởi nghiệp, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp do TN làm chủ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp TN vươn lên làm giàu chính đáng.

Giải pháp sấy khô nông sản

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc nhưng chị Phan Nguyệt Tường (ấp 4, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) không làm giáo viên mà chọn sản xuất, kinh doanh rau, quả sấy để khởi nghiệp.

“Trong một dịp tình cờ nói chuyện với bạn bè làm việc ở nước ngoài, nghe các bạn nói đồ ăn không quen, không ngon vì chưa đa dạng các loại rau, quả như ở Việt Nam. Từ sự ngẫu nhiên đó, cộng thêm việc chứng kiến sự ùn ứ, dư thừa nông sản khủng hoảng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát,... đã thôi thúc tôi tìm hiểu và bén duyên với nghề sấy khô nông sản, thành lập hộ kinh doanh Sấy Xanh Greeny” - chị Tường nói.

Dự án giải pháp sấy khô nông sản của chị Phan Nguyệt Tường  là 1 trong 8 dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh lần thứ IV

Sấy Xanh Greeny áp dụng công nghệ sấy nhiệt thấp có thể sấy khô nông sản mà vẫn giữ nguyên được màu sắc, hương vị ban đầu. Hiện tại, cơ sở của chị sấy khô hầu hết các loại trái cây (cam, chanh, khóm, dưa lưới, đu đủ, dâu tằm,...) và các loại củ, rau ăn lá như bầu, bí, su hào, cà rốt, khổ qua, bí đỏ, cà tím,... Đặc biệt là các loại đặc sản miền Tây: Bông điên điển, bông thiên lý, bông so đũa, ngó súng, kèo nèo, bạc hà, lá giang, củ hủ dừa,...

Chị Tường bộc bạch, tổng mức đầu tư ban đầu trên 1,2 tỉ đồng. Quy trình sản xuất gồm các bước: Rửa sạch, gọt vỏ, cắt lát hoặc sợi, rửa lại, để ráo nước, xếp lên khay và sấy. Tất cả nguồn nguyên liệu trái cây, rau, củ, quả đầu vào đều được Sấy Xanh Greeny lựa chọn kỹ lưỡng từ nhà vườn, vùng nguyên liệu, hợp tác xã đạt tiêu chuẩn VietGAP, canh tác an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Chị Phan Nguyệt Tường đưa sản phẩm vào máy sấy

Hiện tại, chị Tường chủ yếu bán hàng online qua các kênh Zalo, Facebook, fanpage, các sàn thương mại điện tử,... Thị trường chủ yếu tập trung tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, các tỉnh, thành phố phía Bắc và xuất khẩu.

Mô hình sản xuất, kinh doanh giúp chị Tường có thu nhập ổn định từ 40-50 triệu đồng/tháng sau khi trừ thuế và chi phí. Bên cạnh tạo nguồn thu nhập cho bản thân, mô hình của chị còn tạo việc làm cho người dân địa phương.

Vườn ươm phát triển kinh tế gia đình

Với niềm đam mê sưu tầm, chăm sóc các loại cây kiểng, tháng 12/2022, đôi bạn Lương Văn Phúc và Lê Kim Ngân (ấp Chợ, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) cùng nhau lên ý tưởng xây dựng Vườn ươm TN, ươm, ghép và kinh doanh các loại cây kiểng.

Chị Ngân chia sẻ: “Thời điểm đó, chúng tôi chỉ làm giàn tạm đơn sơ và mua hạt giống về trồng. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn. Sau đó, chúng tôi xuống tỉnh Đồng Tháp mua nhiều cây giống về trồng và ươm cây con. Vườn ươm có vốn đầu tư ban đầu 50 triệu đồng. Hiện tại, vườn ươm trồng cây hoàng yến, hoa giấy. Dự định sắp tới, chúng tôi đưa về thêm cây mai nhằm phục vụ nhu cầu dịp tết”.

Mô hình Vườn ươm thanh niên của đôi bạn Lương Văn Phúc và Lê Kim Ngân

Năm 2022, vườn ươm cung cấp cho thị trường khoảng 500 cây kiểng với hình thức bán cho khách hàng đến trực tiếp tại cơ sở, bán sỉ cho các nhà vườn, đại lý thông qua các đơn đặt hàng. Ngoài ra, đôi bạn còn tìm kiếm kênh phân phối online trên các trang nhóm chia sẻ kinh nghiệm trồng cây kiểng.

“Bên cạnh đầu tư mở rộng thêm cơ sở trồng cây kiểng, chúng tôi hướng đến việc chuyển giao kỹ thuật trồng cây kiểng cho TN có đam mê khởi nghiệp từ mô hình kinh doanh, sản xuất với chi phí thấp tại địa phương; đồng thời, phát triển hệ thống cơ sở chăn nuôi và bao tiêu đầu ra cho các cơ sở mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường” - anh Phúc cho biết.

Hiện tại, mô hình của anh Phúc và chị Ngân tạo việc làm cho 3 TN tại địa phương; đồng thời, cung cấp cây giống cho Đoàn xã thực hiện các tuyến đường TN.

Gặp nhiều khó khăn trong việc trồng và bán thanh long, vợ chồng chị Trần Thị Ngọc Lan (SN 1992, ngụ ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành) mạnh dạn chuyển đổi từ thanh long sang trồng cây hoa lài. Hiện chị Lan thực hiện mô hình trồng lài hữu cơ lấy nụ hoa.

Chị Trần Thị Ngọc Lan (thứ 2, trái qua) đoạt giải Khuyến khích cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2022 huyện Châu Thành

Chị Lan kể, qua tìm hiểu từ các mô hình thực tế, cây hoa lài thích ứng với thời tiết nắng nóng. Cây dễ chăm sóc, ít bị sâu, bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần duy trì đủ nước tưới và lượng phân bón ổn định. Đặc biệt, chi phí đầu tư thấp so với tái trồng cây thanh long, kỹ thuật canh tác cũng tương đối đơn giản. Sau 6 tháng trồng, cây bắt đầu cho hoa, có thể thu hoạch 7-10 năm liên tục và giá thành sản phẩm cao.

Hiện tại, chị Lan trồng 2.500 cây hoa lài với diện tích 1.000m2, vốn đầu tư ban đầu 40 triệu đồng. Đến nay, vườn lài của chị đã thu hoạch được 4 lần, mỗi lần thu hoạch được 1-4kg nụ lài, lần cao nhất thu hoạch được 10kg. Giá nụ lài đang dao động từ 150.000-350.000đ đồng/kg. Nụ lài khi thu hoạch phải vừa đủ cứng, dày dặn, bảo đảm chất lượng hương của hoa. Việc thu hoạch hoa được thực hiện hoàn toàn bằng tay.

Hoa lài trắng, thơm, dễ trồng, chịu được nắng và ra hoa quanh năm, mang lại thu nhập khá cho chị Trần Thị Ngọc Lan

Mô hình nhằm tạo ra những sản phẩm hữu cơ an toàn chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng; đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Bằng tài năng và sức trẻ, các TN đã lan tỏa phong trào khởi nghiệp, khơi dậy nhiệt huyết, ý chí khát khao, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Qua đó, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo và khát vọng của tuổi trẻ cùng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh./.

Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh lần thứ IV có 143 ý tưởng và 29 dự án tham gia. Qua vòng sơ khảo, Ban Tổ chức chọn ra 7 ý tưởng và 8 dự án vào vòng chung kết. Năm nay, các thí sinh phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển thành dự án khởi nghiệp. Các thí sinh cũng quan tâm sản xuất theo chuỗi, kiểm soát đầu vào và đầu ra chất lượng; làm tốt việc quảng bá, truyền thông cho sản phẩm của mình lan rộng trên thị trường”.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Hồ Thị Diệp Thúy

Qua 4 năm triển khai, các mô hình, sản phẩm dự thi có số lượng ngày càng tăng lên, chất lượng cũng bảo đảm, cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự chủ động của các Huyện, Thị, Thành Đoàn trực thuộc trong phong trào TN khởi nghiệp. Trong các dự án năm nay, nhiều dự án có các sản phẩm tiêu thụ rất tốt trên thị trường, đây là tín hiệu rất phấn khởi”.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn - Lê Thị Hồng Kết

Hà Lan

Chia sẻ bài viết