Tiếng Việt | English

07/03/2018 - 05:17

Lao động nữ: Làm nhiều nhưng hưởng chẳng bao nhiêu

Theo Mạng lưới hành động vì lao động di cư, tại Việt Nam, lao động nữ đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam là 72% (tức cứ 10 phụ nữ có hơn 7,2 người đi làm), cao hơn mức trung bình thế giới (49%), lao động nữ (LĐN) tại Việt Nam chiếm gần một nửa (48,4%) tổng lực lượng lao động. Tuy nhiên, hiện nay, LĐN còn gặp rất nhiều rào cản trong việc làm và thu nhập. Cùng tham gia vào lực lượng lao động, nhưng thực tế, LĐN luôn gặp nhiều khó khăn, rào cản hơn nam giới cả về thu nhập, cơ hội và môi trường làm việc.

Ví đây đổi phận làm trai được?

Nhớ lại khoảng thời gian đầu khi xin việc làm công nhân (CN), chị Bùi Thị Mai (hiện đang làm việc trong KCN Bảo Minh, Nam Định) không khỏi ngậm ngùi. Tốt nghiệp trung cấp y, Mai không xin được việc làm. Khó khăn chồng chất hơn khi bố Mai bị bệnh nặng phải đi bệnh viện, rồi qua đời. Mai quyết định từ bỏ ước mơ công việc trong một cơ sở y tế nào đó, chấp nhận đi làm CN tại KCN Bảo Minh, vừa để gần nhà, lại có tiền trả nợ cho gia đình.

Qua các "mối", Mai tìm được một số công việc lương khá cao, lại làm giờ hành chính. Nhưng không hiểu sao, nhà tuyển dụng yêu cầu rõ ràng là chỉ tuyển nam giới vào làm việc. Chưa hết, nhiều công ty đưa ra yêu cầu chiều cao và cân nặng đối với nữ CN được tuyển dụng. Ví dụ như nữ cao từ 1,5m trở lên; nặng từ 42kg trở lên; hay không có hình xăm… Lúc đó, Mai chỉ có cân nặng hơn 40kg, nên bị loại ngay từ đầu.

Không chỉ thế, nhiều công ty chỉ tuyển phụ nữ đã có con, có gia đình, hoặc là nam giới vì như thế họ không phải trả các trợ cấp sinh đẻ. Sự phân biệt giới tính trong tuyển dụng lao động này có thể gặp tại không ít các tờ rơi tuyển dụng trong các KCN. Chị Trần Thị Thùy Dương hiện đang là CN Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội. Chị cho biết, công việc của CN trong công ty khá nặng nhọc và độc hại. Tuy nhiên, ở từng bộ phận, nam và nữ đều bình đẳng, chẳng ai nhẹ việc hơn ai. "Nam, nữ đều phải thu gom rác, làm sạch đường, ngõ phố. Cùng đi làm như nhau, nhưng khi về nhà, dù có được chồng hỗ trợ thì thường CN nữ vẫn bận nhiều việc hơn như: Giặt quần áo, đi chợ, nấu cơm, lau nhà, đưa và đón con đi học, vệ sinh nhà cửa. Tôi có 2 con nhỏ cùng đang học tiểu học, nên mỗi buổi sáng, tôi đều phải chở cả hai con đi học" - chị Dương chia sẻ.

Theo nhận định của chị Dương, nói chung LĐN chịu áp lực công việc hơn nam giới. Do sức khỏe yếu hơn, việc nhà bận bịu hơn, thời gian dành cho nghỉ ngơi ít hơn, nên cùng công việc như nhau, nữ CN thường làm chậm hơn, phải kết thúc công việc muộn hơn đồng nghiệp nam giới. "Cũng do công việc nặng nhọc, nên nhiều nữ CN chưa tới tuổi nghỉ hưu (55 tuổi) đã nghỉ việc. Tới thời điểm đó, nữ CN muốn tìm việc nhẹ nhàng hơn để chăm lo cuộc sống gia đình cũng khó" - chị Dương cho biết.

Nhiều bất bình đẳng

Khảo sát "Phụ nữ, việc làm và tiền lương: Tổng quan về LĐN nữ tại Việt Nam" do Mạng lưới hành động vì lao động di cư tiến hành cho thấy tại Việt Nam, dù có cùng trình độ, vị trí công việc như nam giới, thu nhập của LĐN luôn thấp hơn. Trung bình, thu nhập của LĐN thấp hơn nam giới 10,7%. Sự chênh lệch này ở các nhóm trình độ cao hơn thì càng nới rộng. Năm 2016, thu nhập của LĐN chưa qua đào tạo chỉ thấp hơn nam cùng trình độ là 8,1% nhưng chênh lệch này lên tới 19,7% ở nhóm trình độ đại học trở lên. Theo vị trí công việc, LĐN nữ đang có thu nhập thấp hơn các nam đồng nghiệp 12% ở vị trí lãnh đạo, 19,4% ở vị trí chuyên môn kỹ thuật bậc cao và 15,6% ở nhóm lao động giản đơn.

Thu nhập thấp tác động tiêu cực tới điều kiện sống và làm việc của LĐN và gia đình. Theo một khảo sát năm 2017 trong ngành lắp ráp điện tử tại Bắc Ninh, nơi phụ nữ chiếm tới 90% lực lượng lao động, có tới 71,8% số người lao động phải làm thêm trên 30 giờ/tháng và 54,5% đang làm thêm trên 45 giờ/tháng. Hiện thu nhập từ làm thêm giờ chiếm tới 32% tổng thu nhập và trên 50% lương cơ bản trung bình của lao động trong ngành điện tử. Nói cách khác, nếu không làm thêm giờ, LĐN không thể trang trải các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Do đó, họ phải làm thêm, có khi lên tới 115 giờ/tháng hoặc phải làm thêm một công việc phụ hoặc không dám mang thai. Với các phụ nữ đã có con, thu nhập quá thấp khiến họ không đủ tiền trang trải các nhu cầu thiết yếu bao gồm chi phí giáo dục và y tế cho các con.

Cũng theo nghiên cứu trên, LĐN nữ cũng phải làm việc trong điều kiện tồi tệ hơn LĐ nam. Chỉ có 49,8% số LĐN trong nhóm lao động làm công ăn lương có ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, trong khi đó tỉ lệ ký hợp đồng lao động của nam là 58,8%. Ngoài ra, trong khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lao động nam có tỉ lệ ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn lên tới 73,91% trong khi với LĐN chỉ là 67,67%./.

Điều kiện vệ sinh không đảm bảo và áp lực công việc để lại hậu quả tới sức khỏe LĐN, trong khi LĐN nữ chiếm từ 70-90% lực lượng lao động các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thủy sản. Tuy nhiên, LĐN đang phải làm việc trong điều kiện kém vệ sinh, nóng nực, áp lực công việc cao và thiếu các trang thiết bị vệ sinh phù hợp cho nữ. Hậu quả là theo một khảo sát, có tới 68% số LĐN trong các nhà máy xuất khẩu giày đã từng bị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.

Theo nld.com.vn

Chia sẻ bài viết