Tiếng Việt | English

07/11/2017 - 05:01

BHXH VN đề nghị lộ trình điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đây là cách tính hài hòa và lao động nữ cũng có lộ trình áp dụng lương hưu mới như lao động nam.

Cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến 21.000 lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 - Ảnh: TTO

Theo đề nghị của Bảo hiểm xã hội VN, lộ trình này sẽ được thực hiện theo hướng lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có 26 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được nhận tỷ lệ lương hưu tối đa là 75% lương bình quân khi còn đi làm (tăng hơn so với 2017 trở về trước 1 năm đóng bảo hiểm), nghỉ hưu năm 2019 cần 27 năm đóng bảo hiểm, nghỉ hưu năm 2020 cần 28 năm đóng bảo hiểm, 2021 là 29 năm và 2022 cần 30 năm đóng bảo hiểm mới được nhận tỷ lệ lương hưu 75% bằng lương bình quân.

Theo ông Phạm Lương Sơn - phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN - Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định lao động nữ nghỉ hưu từ 01/01/2018 phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm mới đủ điều kiện nhận lương hưu bằng 75% lương bình quân, lao động nam cần 31 năm (nghỉ hưu năm 2019 cần 32 năm, 2020 cần 33 năm…), như vậy lao động nam có lộ trình áp dụng cách tính lương hưu mới, trong khi lao động nữ thì không.

Ông Sơn cho rằng đây là cách tính hài hòa và lao động nữ cũng có lộ trình áp dụng lương hưu mới như lao động nam.

"Việc điều chỉnh lương hưu từ 2018 ảnh hưởng đến cả lao động nữ và lao động nam. Trong đó năm 2018 sẽ có gần 50.000 lao động nữ nghỉ hưu đúng tuổi 55, cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến 21.000 lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018" - ông Sơn cho biết.

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động VN đã có văn bản gửi Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và Chính phủ, đề nghị dừng thực hiện khoản 2 điều 56 về cách tính lương hưu mới với lao động nữ áp dụng từ 2018.

Tổng Liên đoàn Lao động VN cũng cho rằng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không quy định lộ trình điều chỉnh lương hưu với lao động nữ trong khi lao động nam có lộ trình là bất bình đẳng giới./.

Lan Anh/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết