Tối 20/9, mặc dù đã trải qua hai ngày của lễ hội, người dân Kanagawa, Nhật Bản cũng như những người Việt Nam sống tại Nhật Bản dường như vẫn con luyến tiếc. Hình ảnh của lễ hội và đặc biệt sự giao hòa giữa hai đất nước, giữa con người với con người, cả thiên nhiên và cảnh sắc đã để lại những dư âm ấm áp khó quên trong lòng mỗi người tham gia lễ hội.
Dự kiến ban đầu có khoảng 200.000 người tham gia lễ hội, nhưng trên thực tế có khoảng 400.000 người tham dự. Điều này cùng với sự tâm huyết của Thống đốc tỉnh Kanagawa Koiruwa Yuji, nỗ lực của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã khiến cho lễ hội trở thành lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản qui mô nhất từ trước tới nay.
Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách.
Trong suốt hai ngày 19-20/9, trên những tuyến đường phố chính tại thành phố cảng biển Yokohama thanh bình, hàng trăm nghìn lượt người đã đổ về Lễ hội Việt Nam đắm mình trong không khí tưng bừng của Lễ hội.
Các buổi biểu diễn múa rối nước độc đáo luôn nhận được những tràng pháo tay tán thưởng không dứt, bởi với người Nhật Bản nghệ thuật này vừa lạ vừa quen. Lạ bởi bộ môn nghệ thuật này chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Quen bởi trong lịch sử Nhật Bản hình ảnh con trâu, ruộng lúa nước cũng đã từng gắn liền với đời sống người dân. Qua đây, mới thấy việc tái hiện một nền văn hóa để giới thiệu cái hay, cái đẹp cho bạn bè quốc tế sẽ làm tăng thêm sự gắn kết hơn hơn bao giờ hết.
Nhật Bản vốn đã nổi tiếng với áo Kimono, nhưng tại lễ hội, những thiếu nữ xinh đẹp của Nhật Bản khi thử chiếc áo dài, họ đều cảm nhận rằng khi mặc áo dài họ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái khi di chuyển, đặc biệt toát lên vẻ sang trọng. Cũng đúng như nhà thiết kế La Hằng mong muốn là muốn mang sự độc đáo, sự thanh khiết của tâm hồn thể hiện trong tà áo dài Việt Nam để cho bạn Nhật thấy rằng con người Việt Nam cũng thanh khiết, nhẹ nhàng và chân tình như thế. Và chị cũng cho rằng Kimono của Nhật Bản có thể là chất liệu khác nhau, cách mặc khác so với áo dài Việt Nam, nhưng cũng thể hiện được tâm hồn mạnh mẽ nhưng đầy hồn hậu của phụ nữ Nhật Bản.
Thiếu nữ Nhật Bản mặc áo dài Việt.
Và âm nhạc vốn không cần ngôn ngữ, những bài hát đầy sôi động của ba chàng trai thuộc ban nhạc MTV của Việt Nam, được ông Tổng đạo diễn chương trình lễ hội so giống như ban nhạc nổi tiếng SMAP của Nhật Bản, hòa cùng những giây phút lắng đọng nhưng mãnh liệt đầy khát khao bởi tiếng đàn T’rưng của nghệ sĩ Nhật Bản Oguri, khí thế giục giã của tiếng trống hội, sự phấn khích của những bài hát của ban nhạc Gypsy Queen, tiếng hát da diết, đầy tính tự sự của ca sĩ Việt Nam hát bằng tiếng Nhật Hải Triều... đã tạo nên một không khí đầy vui tươi, đầy sảng khoái và đầy cảm động.
Bạn Yurie, đã từng học ở Việt Nam rất vui khi được tham gia lễ hội.
“Em cũng đã từng tham gia Lễ hội Việt Nam ở Tokyo, nhưng lễ hội lần này có một không gian mới và một khí thế mới. Em thấy yêu Việt Nam hơn”, Yurie bày tỏ.
Cũng giống như Yurie, hàng ngàn người Nhật Bản yêu thích món ăn Việt Nam. Những gian hàng ẩm thực giới thiệu Phở, Bún bò Huế, Nem, Bia...lúc nào cũng đông kín người. Nếu như người Việt Nam đã yêu thích món Sushi, Sashimi của Nhật Bản, thì Phở và Nem đã trở thành câu cửa miệng của người Nhật Bản khi nhắc tới Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Sự tự hào dân tộc chính là đây. Và có lẽ bất cứ người Việt nào khi nếm vị phở trên đất Nhật Bản sẽ có tâm trạng ùa về mình là người Việt Nam thật tuyệt. Mùi và vị của món ăn đã trở thành sự thích thú của tâm hồn.
Đúng như Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã nói trong lễ hội: “Trên cả những quan hệ khác, là quan hệ giữa con người với con người, sự giao lưu và đồng điệu giữa văn hóa với văn hóa”.
Lễ hội càng lung linh huyền ảo khi đêm về bởi được điểm xuyết bởi những chiếc đèn lồng Hội An. Trong những ngày này, trên nhiều địa phương của Nhật Bản, phố lớn của Tokyo cũng giăng đèn lồng trong mùa lễ hội. Chính vì lẽ đó, tại thời điểm này, chiếc đèn lồng Việt Nam khi xuất hiện tại Nhật Bản đã trở nên lung linh hơn, huyền thoại hơn, thể hiện một nền văn hóa phong phú và đẹp vô cùng.
Đèn lồng Việt Nam tại Nhật Bản.
Đến với lễ hội Kanagawa tại Nhật Bản, người tham gia còn được tham gia vào các cuộc hội thảo giới thiệu về văn hóa, đất nước con người, tiềm năng du lịch, triển vọng phát triển và kết nối kinh tế của Việt Nam...Đông đảo các chuyên gia, người làm nghề, người quan tâm tham dự, giúp cho hai bên hiểu nhau hơn trong quá trình xúc tiến hợp tác.
Thống đốc tỉnh Kanagawa Yuji-có lẽ là người vui nhất, có nhiều cảm xúc nhất khi lễ hội thành công ngoài mong đợi.
Ông cho rằng lễ hội trở nên đặc biệt hơn, ý nghĩa hơn khi được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tổng Bí thư thăm chính thức Nhật Bản. Cùng với những hoạt động trong khuôn khổ lễ hội, giao lưu văn hóa giữa hai nước sẽ được tăng cường, góp phần làm phong phú thêm văn hóa của mỗi nước.
Lễ hội Việt Nam tại Kanagawa đã kết thúc, nhưng dư vị của lễ hội vẫn còn đọng lại trong mỗi người tham gia. Đó không chỉ đơn giản là là giai điệu vui sướng của một bài hát, giây phút hạnh phúc sau khi thưởng thức của một món ăn ngon, sự thỏa mãn của con mắt nhìn, mà là sự hòa hợp trong trái tim của hai dân tộc, của hai nền văn hóa đẹp./.
Bùi Hùng/VOV - Tokyo