Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam
Ngày 17-1, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023).
Các đại biểu làm lễ chào cờ. Ảnh: Bình Nguyên
Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành Ngoại giao. Đặc biệt, lễ kỷ niệm còn có sự tham dự của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc. Ảnh: Hà Phương
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Hiệp định Paris được ký kết cách đây tròn nửa thế kỷ đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20. Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam.
Quang cảnh lễ kỷ niệm. Ảnh: Hà Phương
Chiến thắng vĩ đại này là kết tinh thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đồng khởi Bến Tre năm 1960, đến Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Tiến công chiến lược Xuân-Hè năm 1972 và chiến thắng vang dội 12 ngày đêm “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”. Ngoại giao đã trở thành một mặt trận tiến công, kết hợp nhuần nhuyễn và chuyển hóa hoàn toàn thắng lợi trên mặt trận chính trị, quân sự thành thắng lợi trên bàn đàm phán, thể hiện sáng ngời bản lĩnh, cốt cách và trí tuệ Việt Nam, thấm đượm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973. Ảnh: Bình Nguyên
Có mặt tại buổi lễ, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu: "Hiệp định Paris là thắng lợi về quân sự, chính trị, ngoại giao của Việt Nam, đồng thời là thắng lợi của sự ủng hộ đoàn kết mà thế giới dành cho Việt Nam. Có thể nói sự đoàn kết ủng hộ hết sức mạnh mẽ của thế giới đã làm tăng thêm sức mạnh cho Việt Nam cả trên thực địa và trên mặt trận ngoại giao. Thắng lợi đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước". Nguyên Phó chủ tịch nước nhấn mạnh, bà luôn tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào về Đảng quang vinh và nhân dịp này muốn gửi lời tri ân đến các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Bà bày tỏ tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với truyền thống chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Việt Nam sẽ phát triển mạnh và bền vững.
Hiệp định Paris không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, mà còn đi vào lịch sử cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, tự do, tiến bộ và công lý. Phong trào chống chiến tranh xâm lược phi nghĩa và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trên thế giới. Phong trào này đã trở thành biểu tượng của thời đại và tiêu biểu cho lương tri loài người. Vì vậy, chiến thắng của nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Paris cũng như trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng là chiến thắng của nhân dân thế giới trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình, là niềm cổ vũ lớn lao cho các dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chiến thắng của chính nghĩa, đạo lý và công lý.
Đồng chí Võ Văn Thưởng tặng hoa các thành viên đoàn đàm phán dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris. Ảnh: Bình Nguyên
Thế giới đang trải qua những biến động lớn và rất phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển là nguyện vọng chung, tha thiết của các quốc gia, dân tộc và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Đã từng trải qua nhiều hy sinh, mất mát trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, Việt Nam hết sức trân trọng giá trị của hòa bình, đề cao và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, chân thành và thủy chung với bạn bè quốc tế, đóng góp hết sức mình vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội trên thế giới./.
Các đại biểu xem triển lãm ảnh lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Ảnh: Bình Nguyên
Một số tiết mục biểu diễn văn nghệ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Hà Phương
PHƯƠNG LINH - HÀ PHƯƠNG (QĐND)
- Long An: Có 7 điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025 (24/12)
- Kịp thời nắm bắt, xử lý hiệu quả các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự (24/12)
- Long An triển khai văn bản quy phạm pháp luật mới (24/12)
- Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024 (24/12)
- Ông Lê Bá Phước tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Long An (24/12)
- 'Chạy nước rút' để hoàn thành sớm Nghị quyết năm 2024 (24/12)
- 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ (24/12)
- Không ngừng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát (24/12)