Sự cần thiết
Liên kết sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân có thu nhập ổn định, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Xác định được điều này, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm, khuyến khích nông dân và các hợp tác xã (HTX) hợp tác với doanh nghiệp nhằm xây dựng, phát triển những mô hình liên kết trong sản xuất.
Liên kết trong sản xuất mang lại hiệu quả cao (trong ảnh: Sản xuất rau theo hướng an toàn tại Hợp tác xã rau Phước Hòa, huyện Cần Đước)
Với hệ thống nhà lưới, tưới tự động được đầu tư bài bản, chi phí phù hợp, HTX Rau an toàn Mười Hai (huyện Cần Đước) đạt hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy cho biết: “HTX có 31 xã viên, sản xuất khoảng 10 loại rau ăn lá với diện tích 10,1ha. Hầu hết xã viên đều trồng rau trong nhà lưới, thực hiện quy trình bán hữu cơ, sử dụng phân sinh học, sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP. Sản phẩm được thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu phân tích định kỳ nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. HTX bảo đảm các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm tại khu vực sản xuất, sơ chế”.
Theo Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng, hiện mỗi ngày, HTX cung cấp 3-4 tấn rau sạch các loại, đạt tiêu chuẩn VietGAP cho TP.HCM thông qua một số HTX khác. Nhờ liên kết tiêu thụ mà những năm qua, doanh thu của HTX tăng cao, mang lại nhiều lợi nhuận cho xã viên. Hiện doanh thu của HTX đạt trên 25 tỉ đồng/năm. Mỗi hécta đất canh tác đạt giá trị bình quân 342,8 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với sản xuất lúa.
Chia sẻ về thuận lợi của người dân khi tham gia HTX, Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) - Trương Quang An cho biết, để xã viên sản xuất hiệu quả, HTX chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các phương thức sản xuất an toàn được chú trọng. Nhằm bảo đảm quy trình sản xuất an toàn, HTX tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phương pháp chăm sóc, trồng, tỉa, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP và hướng dẫn xã viên cách xông đèn cho ra hoa trái vụ.
"Trong quá trình sản xuất, HTX áp dụng các phương thức sản xuất khoa học nhằm bảo đảm an toàn cho thành viên và người lao động. Đặc biệt, các quy trình sử dụng máy móc, nông cụ, phun thuốc, bón phân,... được HTX hướng dẫn cụ thể. Hiện HTX có hơn 70 thành viên, sản xuất trên diện tích gần 100ha, trong đó có hơn 70ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP” - Ông An thông tin thêm.
Liên kết trong sản xuất mang lại hiệu quả cao
Đối với cây lúa, người dân tham gia HTX là rất cần thiết vì tránh được tình trạng được mùa - rớt giá. Anh Vũ Tuấn - xã viên HTX Gò Gòn (huyện Tân Hưng), chia sẻ: “Tham gia liên kết sản xuất thông qua HTX, nông dân đạt lợi nhuận cao và được hỗ trợ về kỹ thuật, giống, thu hoạch,... Trung bình 1ha, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn sản xuất bình thường từ 3-5 triệu đồng”.
Giám đốc HTX Gò Gòn - Trương Hữu Trí cho biết: “HTX được thành lập năm 2005. Sau hơn 13 năm phát triển, HTX có 103 thành viên, sản xuất trên 464ha, trong đó, lúa là cây trồng chủ lực. Năm 2013, HTX chính thức triển khai mô hình Cánh đồng lớn theo liên kết “4 nhà” và hỗ trợ các thành viên ứng dụng tia laser trong khâu làm đất, san phẳng mặt ruộng, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”,...; đồng thời, là đại lý cấp 1 cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống, giúp nông dân giảm chi phí hơn 3 triệu đồng/ha so với bên ngoài”.
“Vụ Đông Xuân 2018-2019, công ty thực hiện liên liên kết sản xuất 300ha, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt chuẩn xuất khẩu. Toàn bộ sản phẩm được công ty bao tiêu với giá cao hơn thị trường 400 đồng/kg. Trong bối cảnh hội nhập, liên kết là điều kiện bắt buộc để các HTX nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh. Tham gia vào chuỗi liên kết mở ra nhiều cơ hội mới cho các HTX, người sản xuất trong việc tiếp cận thị trường, tìm kiếm các đối tác và bảo đảm đầu ra sản phẩm” - ông Trí nói thêm.
Phát huy hiệu quả
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết, thực tế cho thấy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân vẫn được xem là ưu việt nhất trong việc tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bởi quá trình sản xuất được cơ giới hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến; công tác bảo quản, sơ chế được quan tâm, việc tiêu thụ thuận lợi.
Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ cho các HTX về kiến thức quản lý, cũng như kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp liên kết cùng với các HTX, hộ nông dân để tổ chức sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian tới, ngành tập trung tuyên truyền sâu, rộng để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, vị trí của HTX nông nghiệp trong cơ chế thị trường; học tập, nghiên cứu các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn sản xuất liên kết, liên doanh sản xuất hàng hóa trong hoặc ngoài tỉnh.
Đồng thời, củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý về kinh tế tập thể ở các ngành chức năng, cần có cán bộ chuyên trách ở cấp huyện, xã; ban chỉ đạo phải tăng cường hoạt động, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ; phối hợp củng cố, kiên quyết xử lý các HTX hoạt động không hiệu quả.
Các cấp ủy, chính quyền phải xác định xây dựng, phát triển HTX nông nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong nghị quyết Đảng bộ, chi bộ.
Các HTX phải chủ động, nỗ lực, phấn đấu vươn lên bằng chính nội lực của mình, xây dựng được định hướng kinh doanh phù hợp; đổi mới cả về nhận thức lẫn phương pháp thực hiện, phương pháp quản lý, chế độ phân phối và tích lũy để tổ chức lại hoạt động dịch vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với lợi ích của các thành viên, cả lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.
HTX phải thường xuyên bám sát chương trình phát triển KT-XH của tỉnh và từng địa phương để xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động của HTX.
Liên kết trong sản xuất mang lại hiệu quả cao
Để khắc phục những hạn chế và phát huy hiệu quả việc liên kết trong sản xuất, ngày 17/8/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch số 6390/KH-BNN-KTHT về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp đến năm 2020.
Theo đó, các giải pháp cần tập trung thực hiện gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để làm rõ sự cần thiết về chuỗi giá trị và vai trò nòng cốt của HTX nông nghiệp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nâng cao năng lực cho HTX và doanh nghiệp để thực hiện liên kết có hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận và áp dụng khoa học - kỹ thuật, năng lực về thông tin, thương mại và tiếp cận thị trường; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển liên kết giữa doanh nghiệp và HTX.
Ngoài ra, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn như Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, chương trình “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020", chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020,.../.
Long An hiện có 4 liên hiệp HTX (2 liên hiệp HTX trồng trọt và 2 liên hiệp HTX tổng hợp) với 22 HTX thành viên, tổng vốn điều lệ 3,7 tỉ đồng; 159 HTX với hơn 3.500 thành viên, vốn điều lệ trên 161 tỉ đồng. |
Huỳnh Phong