Tham gia mô hình, nông dân được các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến cuối vụ mới thanh toán, không tính lãi. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng hạt lúa. Công ty THHH Lương thực - Thực phẩm Long An và Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn so với thị trị trường 100 đồng/kg. UBND các xã theo dõi hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Một số nông dân còn được hỗ trợ 25% chi phí cấy lúa bằng máy và 2 triệu đồng/ha khi san bằng mặt ruộng bằng tia laser.
Hội nghị đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện mô hình liên kếtSau 5 năm thực hiện, nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất, giảm lượng phân bón, thuốc hóa học, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh và các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mô hình khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ, từng bước tiến tới sản xuất lúa tập trung. Ông Huỳnh Tiểu Xích, ngụ xã Tân Đông, cho biết: “Mô hình hỗ trợ vốn, giúp nông dân bao tiêu sản phẩm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, sản phẩm đạt chất lượng cao hơn so với ngoài mô hình”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số nông dân không thực hiện đúng hợp đồng, bán cho thương lái bên ngoài khi giá thị trường cao hơn. Doanh nghiệp chưa thực sự gắn bó với nông dân, khi không xuất khẩu được thì xảy ra tình trạng kéo dài thời gian thu mua khiến nông dân bất an. Một số nông dân chưa tuân thủ khuyến cáo của nhà khoa học về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, chưa tạo ra sản phẩm sạch, doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Vì vậy, chỉ có hơn 90% sản lượng lúa ở cánh đồng lớn được bán cho doanh nghiệp theo hợp đồng. Còn khoảng 10% sản lượng bán cho thương lái.
Để tháo gỡ những vướng mắc, vụ Đông Xuân 2017-2018, UBND huyện trao đổi với các doanh nghiệp thỏa thuận với nông dân về thời gian thu hoạch, thời gian thanh toán và hoàn trả vốn đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp,... thông qua những điều khoản cụ thể trong hợp đồng nhằm bảo đảm lợi ích của hai bên. UBND các xã xác nhận hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân, theo dõi quá trình thực hiện và yêu cầu 2 bên tuân thủ hợp đồng./.
Hồ Phượng