Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra vận hành lò đốt rác
Phát huy hiệu quả
Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, lượng rác thải phát sinh từ dịch bệnh khá lớn, nếu không được xử lý tốt, nguy cơ gây ô nhiễm, phát tán mầm bệnh rất cao.
Sở Tài nguyên và Môi trường Long An chủ động phối hợp Sở Y tế, UBND các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai thu gom, vận chuyển, xử lý toàn bộ lượng rác thải tồn đọng. Đặc biệt, việc đầu tư, đưa vào vận hành lò đốt rác không chỉ bảo đảm phục vụ tốt việc xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh mà còn phát huy hiệu quả trong xử lý chất thải y tế tại địa phương sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tại huyện Đức Hòa, việc xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh được địa phương phối hợp chặt chẽ ngành chức năng thực hiện. Trong đó, lượng chất thải tồn đọng được thu gom, xử lý triệt để. Lò đốt rác trên địa bàn huyện hoàn thành, đưa vào vận hành phát huy hiệu quả, bảo đảm xử lý toàn bộ lượng chất thải phát sinh hàng ngày.
Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Hòa - Phan Văn Tâm cho biết: Chất thải tại các cơ sở điều trị, khu vực cách ly, phong tỏa,... được phân loại để xử lý. Việc hoàn thành, đưa vào vận hành lò đốt rác tạo sự chủ động cho địa phương trong việc xử lý chất thải. Lò đốt rác hiện có công suất 1,5 tấn/ngày và lò vi sóng 200kg/ngày, không chỉ xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh trên địa bàn huyện Đức Hòa và Đức Huệ mà khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, lò đốt rác còn giúp địa phương xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế, bảo đảm an toàn môi trường, tránh ô nhiễm.
Theo Trưởng phòng TN&MT thị xã Kiến Tường - Huỳnh Thanh Tâm, thị xã triển khai kế hoạch, các giải pháp thu gom, vận chuyển chất thải rắn tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung và khu vực phong tỏa tạm thời. Lò đốt có công suất 1,5 tấn/ngày và lò vi sóng 300kg/ngày trên địa bàn đã hoàn thành, đưa vào vận hành, bảo đảm xử lý toàn bộ chất thải phát sinh. Không chỉ xử lý trên địa bàn thị xã Kiến Tường, lò đốt còn xử lý chất thải rắn phát sinh tại huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng.
Lò đốt rác phát huy hiệu quả trong xử lý chất thải y tế
Góp phần xử lý chất thải y tế
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn, Sở được UBND tỉnh giao nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, giám sát về chất thải, nước thải tại các khu cách ly y tế tập trung và bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc quản lý và xử lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19.
Sở lập kế hoạch, thành lập tổ kiểm tra để tiến hành kiểm tra và kiểm soát thường xuyên về lĩnh vực môi trường, trong đó, đặc biệt chú ý việc xử lý nước thải và công tác quản lý chất thải rắn tại các điểm phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Sở tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh, khắc phục, hướng dẫn và hoàn thiện trong công tác bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm môi trường, không để tình trạng lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng và người dân. Đến nay, tỉnh chưa ghi nhận tình trạng lây nhiễm Covid-19 từ vấn đề môi trường.
Sở TN&MT thành lập Tổ kiểm tra công tác quản lý chất thải, nước thải và vệ sinh môi trường; phối hợp Phòng TN&MT các địa phương tiến hành kiểm tra, khảo sát vị trí xả thải và lấy mẫu nước thải sau xử lý trước khi thải vào nguồn tiếp nhận tại các khu cách ly y tế tập trung và các bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Kết quả giám sát sơ bộ cho thấy, giá trị các thông số vi khuẩn gây bệnh (Salmonella, Shigella và Vibrio cholerae) đều đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về y tế QCVN 28:2010/BTNMT, cột A.
Tuy nhiên, giá trị thông số Coliform tại một số vị trí giám sát vẫn còn vượt quy chuẩn. Hiện nay, Sở tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và thường xuyên lấy các mẫu nước thải để phân tích các chỉ số, bảo đảm trước khi thải ra nguồn tiếp nhận tại các điểm phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đạt quy chuẩn môi trường theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, nhằm giảm lượng chất thải phát sinh ngay tại nguồn, Sở phối hợp Sở Y tế hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, cử cán bộ đến hỗ trợ các cơ sở điều trị và khu cách ly tập trung để phân loại, tiếp phẩm của thân nhân người bệnh gửi vào.
Dịch bệnh bùng phát, lượng chất thải phát sinh từ các cơ sở điều trị và khu cách ly tập trung từ 10-15 tấn/ngày, trong thời gian chờ các lò đốt rác đang được đầu tư đưa vào vận hành chính thức, Sở hợp đồng với Công ty Cổ phần Công nghệ An Huy thu gom, vận chuyển và xử lý mỗi ngày.
Tính đến nay, hơn 1.000 tấn chất thải phát sinh tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung đã được thu gom, vận chuyển và xử lý an toàn, đúng quy định, không để ùn ứ, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế được tình trạng ô nhiễm, tránh phát tán mầm bệnh.
“Đặc biệt, Sở phối hợp, đầu tư, đưa vào vận hành lò đốt rác phục vụ xử lý và bảo đảm xử lý toàn bộ chất thải phát sinh do dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, lò đốt rác tại thị xã Kiến Tường, các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc và Sở Y tế (đầu tư tại Bệnh viện Đa khoa Long An) hoàn thành, xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn quản lý.
Ngoài ra, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các lò đốt rác góp phần bảo đảm xử lý hiệu quả chất thải y tế, tránh ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh” - Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn thông tin./.
Châu Sơn