Tiếng Việt | English

21/12/2019 - 09:55

Cần Đước: Hiệu quả mô hình Phân loại rác tại hộ gia đình

Một trong những vấn đề lãnh đạo huyện Cần Đước, tỉnh Long An đặc biệt quan tâm là thu gom, xử lý rác thải.

Hố xử lý rác gia đình
Hố xử lý rác gia đình

Một trong những vấn đề lãnh đạo huyện Cần Đước, tỉnh Long An đặc biệt quan tâm là thu gom, xử lý rác thải. Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt trên 30 tấn và chi phí vận chuyển đến Khu Liên hợp Đa Phước TP.HCM để xử lý trên 8 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, đây chỉ là số lượng rác thu gom theo các tuyến giao thông chính, còn một số lượng rác ở các khu dân cư khu vực nông thôn vẫn chưa được xử lý. 

Trước thực trạng trên, các ngành, đoàn thể huyện xây dựng nhiều mô hình thu gom, xử lý rác thải, trong đó có Mô hình Lò đốt rác khu dân cư do UBMTTQ huyện khởi xướng từ năm 2016 tại xã Phước Đông. Nội dung chủ yếu của mô hình là xây dựng lò đốt rác tập trung tại các khu dân cư và vận động người dân phân loại rác tại hộ gia đình: rác hữu cơ sẽ được chôn lấp, sau đó trồng cây; rác tái chế sẽ bán được phế liệu, còn lại sẽ đưa vào lò đốt để xử lý. 

Song song với việc phân loại rác tại nguồn, Ban ấp còn vận động người dân không vứt rác bừa bãi, trồng hoa, cây xanh trên các tuyến giao thông, làm hàng rào cây xanh, chung tay xây dựng cảnh quan môi trường,... Từ mô hình điểm tại xã Phước Đông, hiện nay, nhiều xã nhân rộng và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, hạn chế số lượng rác phải tập trung vận chuyển để xử lý, khắc phục tình trạng vứt rác bừa bãi.

Cùng với Mô hình Lò đốt rác khu dân cư, MTTQ và các đoàn thể còn tập trung tuyên truyền Chỉ thị 29 của Ban Thường vụ Huyện ủy về xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, đẩy mạnh cuộc vận động của Trung ương UBMTTQ Việt Nam, về chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng những mô hình thiết thực như Khu dân cư tự quản về môi trường (của UBMTTQ huyện), mô hình xách giỏ đi chợ hạn chế sử dụng túi nylon (Hội phụ phữ),… Qua đó, các đoàn thể vận động, hỗ trợ hàng trăm sọt đựng rác cho gia đình, cung cấp giỏ nhựa đi chợ cho chị em, đồng thời tích cực tuyên truyền đoàn viên, hội viên thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn, đào hố chôn lấp rác hoặc xây dựng lò đốt rác gia đình quy mô nhỏ với chi phí khoảng 150.000 đồng để xử lý tại gia đình.

Với những kết quả đã đạt, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình phân loại, xử lý, đào hố chôn lấp rác nhằm giảm số lượng rác phải thu gom, giảm chi phí vận chuyển, góp phần xây dựng cảnh quang môi trường xanh, sạch, đẹp./.

Kim Khánh

 

Chia sẻ bài viết