Tiếng Việt | English

01/11/2019 - 06:46

Long An ban hành Quy định mới về xây dựng, thẩm định, phê duyệt chương trình, kế hoạch đề án và quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần vừa ban hành Quyết định số 45/2019/QĐ-UBND quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt chương trình, kế hoạch, đề án và quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công. Đây là một trong những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đây là 1 trong những đề án sử dụng nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2019 hỗ trợ ứng dụng trang thiết bị mới trong sản xuất - gia công gỗ mỹ nghệ tại DNTN Bùi Mai Linh (phường 7, TP.Tân An) 

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/11/2019 và thay thế Quyết định số 61/2014/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh.

​Theo Quyết định số 45, để nhận được hỗ trợ từ kinh phí khuyến công địa phương, các tổ chức, cá nhân phải là đơn vị trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh có đề án khuyến công được UBND tỉnh phê duyệt và cam kết đầu tư đủ kinh phí thực hiện đề án.

Cụ thể, gồm: Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công).

Kinh phí khuyến công năm 2019 hỗ trợ ứng dụng Máy khắc tự động trong sản xuất - gia công gỗ mỹ nghệ tại hộ kinh doanh Võ Văn Tùng (ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại, Tân Hưng) 

Nội dung hỗ trợ hoạt động khuyến công, gồm: Đào tạo nghề, truyền nghề; hỗ trợ hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, hội thảo, diễn đàn; tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm; thành lập doanh nghiệp; mở rộng thị trường; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ; áp dụng sản xuất sạch hơn; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hội chợ, triển lãm; xây dựng, đăng ký thương hiệu; trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm; xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh; bản tin, ấn phẩm; dữ liệu, trang thông tin điện tử; tờ rơi, tờ gấp; hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác, phát triển các cụm công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý,…

So với Quyết định số 61, Quyết định số 45 có nhiều thay đổi, đối tượng được hỗ trợ cũng như mức kinh phí cao hơn. Một số mức hỗ trợ đặc thù từ kinh phí khuyến công như sau:

Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật bao gồm: Hoàn thiện kế hoạch kinh doanh khả thi; dự án thành lập doanh nghiệp và chi phí liên quan đến đăng ký thành lập doanh nghiệp. Mức hỗ trợ không quá 7 triệu đồng/doanh nghiệp.

Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, bao gồm: Xây dựng; mua máy móc thiết bị; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 700 triệu đồng/mô hình.

Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức, cá nhân khác học tập, bao gồm: Hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ; hoàn thiện quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa 80 triệu đồng/mô hình.

Hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; bao gồm các chi phí: Thay thế nguyên, nhiên, vật liệu; đổi mới máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ; đào tạo nâng cao năng lực quản lý; đào tạo nâng cao trình độ tay nghề công nhân; tiêu thụ sản phẩm; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí nhưng không quá 400 triệu đồng/mô hình.

Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 250 triệu đồng/cơ sở.

Ngoài ra, kinh phí khuyến công còn hỗ trợ tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ trong nước; tham gia hội chợ triển lãm; hỗ trợ chi phí vé máy bay cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đi tham gia khảo sát, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài; bình chọn và trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, tỉnh; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hỗ trợ thành lập hội, hiệp hội ngành nghề cấp huyện, tỉnh./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích