Nâng cao chất lượng sản phẩm
Ông Trần Phước Thành (ấp Hưng Trung, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) theo nghề sản xuất rượu của gia đình khá lâu và cung cấp cho thị trường huyện Tân Hưng, TP.HCM. Rượu do gia đình ông Thành có nhãn hiệu Phát Đạt, được người dân trong vùng ưa thích vì thơm, ngon. Ông Thành nói: “Trong quá trình sản xuất, tôi thường chọn các loại gạo có chất lượng tốt. Gạo phải bảo đảm an toàn thực phẩm, nấu ra cơm phải thơm, dẻo và trắng”.
Hộ kinh doanh Trần Phước Thành thử nghiệm và đưa máy lọc độc tố rượu vào sản xuất
Tuy sản xuất rượu khá lâu nhưng chủ yếu ông Thành học kinh nghiệm từ gia đình và có công thức riêng. Điều lo lắng nhất thời gian qua của ông là rượu chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng và các chỉ tiêu hàm lượng aldehyt trong rượu còn cao, năng suất thấp.
Nhận thấy rõ những hạn chế trong quá trình sản xuất, ông Thành quyết định đầu tư máy lọc độc tố rượu nhằm nâng cao năng suất, khử hàm lượng aldehyt trong rượu. Với công nghệ sản xuất mới, chắc chắn sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh xây dựng đề án sử dụng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương để giúp ông mạnh dạn đầu tư máy lọc độc tố rượu. Đề án có tổng kinh phí 88 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 44 triệu đồng. Ông Thành chia sẻ: “Từ khi thử nghiệm và đưa máy lọc độc tố rượu vào sản xuất, chất lượng rượu nâng lên rõ rệt, người dân rất thích và an tâm khi dùng. Máy lọc độc tố rượu có công suất 150 - 200 lít/giờ”.
Năm 2017, sản phẩm rượu gạo Phát Đạt của hộ kinh doanh Trần Phước Thành được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, ông Thành sản xuất hơn 3.500 lít rượu, phân phối địa bàn trong huyện và TP.HCM. Sau khi đầu tư máy lọc độc tố rượu, ông Thành cho biết sẽ mở rộng thị trường hơn nữa, nhất là địa bàn TP.HCM.
Giảm giá thành
Bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh vừa phối hợp Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành, hộ kinh doanh trang trí nội thất Kim Hương 4 (khu phố 3, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy may viền nệm băng tải”.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh - Phạm Văn Hường cho biết: Khi đề án này hoàn thành và máy may viền nệm băng tải đưa vào sử dụng, sản phẩm nệm do hộ kinh doanh trang trí nội thất Kim Hương 4 bán ra sẽ giảm giá thành.
Đại biểu nghiệm thu máy may viền nệm băng tải tại hộ kinh doanh Kim Hương 4
Ông Trương Thanh Ngọc, chủ hộ kinh doanh Kim Hương 4, chia sẻ: “Hiện nay, nhu cầu sử dụng nệm của người dân đang tăng. Tuy vậy, cơ sở chưa đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng do đang gặp khó khăn trong khâu sản xuất ra thành phẩm nệm”.
Trước đây, ông Ngọc bán hàng thành phẩm nhưng giá thị trường sẽ cao. Muốn có giá thành cạnh tranh, ông chịu khó lấy nguyên liệu như cao su, lò xo, mouse cao su, gòn ép,… về sản xuất nệm theo phương pháp thủ công và đặt hàng gia công áo nệm. Nhận thấy những hạn chế trên, ông quyết định đầu tư máy may viền nệm băng tải nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực sản xuất, sử dụng tiết kiệm nguồn nguyên liệu.
Với mục tiêu hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã phối hợp Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành, hộ kinh doanh xây dựng đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy may viền nệm băng tải”. Tổng kinh phí thực hiện đề án 220 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của hộ kinh doanh.
Ông Trương Thanh Ngọc cho biết thêm: Máy may viền nệm băng tải có thể may được tất cả các loại nệm từ cao su, gòn ép đến lò xo và may trực tiếp áo nệm ngay trên ruột nệm. Sản phẩm làm ra rất đồng nhất, không hao hụt và mẫu mã rất đa dạng theo nhu cầu khách hàng. Đặc biệt, khi giảm các công đoạn gia công, giá thành sẽ hạ so với trước đây và giúp cơ sở có thể cạnh tranh giá với các loại nệm khác trên thị trường.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh - Phạm Văn Hường chia sẻ thêm, năm 2019, UBND tỉnh có quyết định giao Sở Công Thương thực hiện 8 đề án khuyến công địa phương với số tiền trên 1,1 tỉ đồng. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương giao Trung tâm quản lý và thực hiện.
Theo đó, có 4 đề án với kinh phí thực hiện 765 triệu đồng được hỗ trợ gián tiếp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở công nghiệp nông thôn bằng nhiều hình thức như: Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, tỉnh năm 2019; xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về tỉnh Long An trong ngành thủ công mỹ nghệ năm 2019; trưng bày, quảng bá và giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm. 4 đề án còn lại với kinh phí hỗ trợ trên 373 triệu đồng được hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu./.
Mai Hương