Ảnh minh họa (D.C)
UBND tỉnh Long An mới ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ số Đổi mới sáng tạo của tỉnh Long An năm 2024. Kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của chỉ số Đổi mới sáng tạo PII đối với mô hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ số thành phần, đề ra và triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp góp phần nâng cao chỉ số PII của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đối tượng đầu tiên liên quan đến nội dung kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ số Đổi mới sáng tạo là lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ; cán bộ đầu mối của các sở ngành, đoàn thể tỉnh và cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ thu thập và cung cấp dữ liệu, hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán chỉ số PII năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đồng thời, triển khai thu thập, cung cấp thông tin, số liệu phục vụ tính toán chỉ số Đổi mới sáng tạo năm 2024; chủ động phối hợp chặt chẽ để cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, số liệu của ngành, lĩnh vực mình phụ trách phục vụ cho việc tính toán Chỉ số PII của tỉnh.
Triển khai thực hiện các giải pháp phần cải thiện, nâng cao chỉ số PII của địa phương năm 2024 và các năm tiếp theo
Trên cơ sở kết quả, đánh giá xếp hạng năm 2023 của tỉnh, các sở ngành, đoàn thể tỉnh và cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động, tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nhằm duy trì các chỉ số thành phần là điểm mạnh và cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần còn hạn chế của tỉnh (thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, xếp thứ 53/63 tỉnh thành; số tổ chức KH&CN/l0.000 dân, xếp thứ 55/63 tỉnh thành; quản trị môi trường, xếp thứ 50/63; số doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên môn khoa học và công nghệ/1.000 doanh nghiệp, xếp thứ 63/63; tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo (%), xếp 52/63 tỉnh thành).
Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ số Đổi mới sáng tạo Một xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung triển khai trong năm 2024 và các năm tiếp theo gắn liền trách nhiệm các ngành liên quan.
Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đoàn thể tỉnh làm tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành cụ thể hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách lĩnh vực khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ, phát triển thị trường công nghệ, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
Tham mưu phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở; thúc đẩy phát triển tỷ lệ học sinh trung học tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trên tổng số học sinh trung học.
Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở nhằm tăng số lượng trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tại tỉnh Long An theo yêu cầu.
Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh tham mưu, đề xuất HĐND tỉnh, UBND tỉnh tăng cường thu hút đầu tư phát triển, phấn đấu tăng tỷ lệ diện tích đất công nghiệp đã được xây dựng kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp trên tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch của các khu công nghiệp. Tăng tỷ lệ các dự án đầu tư đang sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp/tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các chính sách, chương trình phát triển cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, thu hút các dự án đầu tư góp phần tăng tỷ lệ các dự án đầu tư trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Rà soát, tham mưu chính sách phát triển dịch vụ logistics.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch thúc đẩy, hỗ trợ kinh tế khu vực nông thôn thông qua các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Thúc đẩy phát triển nhanh số lượng sản phẩm OCOP/tổng số đơn vị hành chính cấp xã.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải pháp nâng cao tỷ lệ số lao động đang làm việc đã qua đào tạo với tổng số lao động đang làm việc.
Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tinh triển khai các giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhằm cải thiện chỉ số số doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên môn khoa học và công nghệ/1.000 doanh nghiệp…/.
Tấn Lộc