Tiếng Việt | English

18/03/2021 - 19:46

Long An: Lần đầu tiên thực hiện phương pháp nội soi phế quản

Phương pháp nội soi phế quản chính thức được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Long An, góp phần chẩn đoán và điều trị bệnh phổi hiệu quả. Hiện các cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh chưa triển khai được kỹ thuật này.

Nội soi phế quản được đánh giá là phương pháp hiện đại nhất, giúp ích cho công tác chẩn đoán sớm các bệnh lý hô hấp

Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật mới được sử dụng để phát hiện bệnh lý hô hấp nguy hiểm, đặc biệt là ung thư phổi. Nội soi phế quản ống mềm là phương pháp kỹ thuật giúp quan sát được bên trong đường hô hấp, được đánh giá là phương pháp chẩn đoán chính xác và hiện đại nhất, giúp ích rất nhiều cho công tác chẩn đoán sớm và điều trị các bệnh lý trong chuyên khoa hô hấp; giúp phát hiện ra nguyên nhân của các vấn đề hô hấp như loại bỏ các dị vật đường hô hấp, khó thở, chảy máu hoặc ho kéo dài,...

Ngay trong ngày đầu thực hiện nội soi phế quản, bệnh nhân N.H.C (56 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) được lấy mẫu dịch trong phổi làm xét nghiệm. Kết quả, bệnh nhân dương tính vi khuẩn lao. Trước đó, bệnh nhân bị sốt, ho kéo dài, đã điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi, tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được lấy đàm (do bệnh nhân tự khạc) xét nghiệm nhưng âm tính vi khuẩn lao nên không nghĩ đến lao phổi. Nhờ nội soi phế quản, bệnh nhân được phát hiện bệnh chính xác và điều trị theo phác đồ chống lao.

Ngày 18/3, bệnh nhân N.V.A (81 tuổi, ngụ thị xã Kiến Tường), bị bệnh phổi nhiều năm điều trị không khỏi. Sau khi nội soi, bệnh nhân được phát hiện bị ung thư phổi và điều trị kịp thời.

Từ đó, có thể thấy, nếu không dùng phương pháp nội soi phế quản để chẩn đoán thì bệnh nhân sẽ không hết bệnh; đối với bệnh nhân lao còn có nguy cơ lây cho gia đình, xã hội.

Đây là lần đầu tiên BVĐK Long An dùng phương pháp nội soi phế quản để chẩn đoán và điều trị bệnh phổi (hiện các cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh chưa triển khai được kỹ thuật này). Phương pháp này được chuyển giao công nghệ từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, giúp giảm tải tuyến trên, bớt gánh nặng về kinh tế, tinh thần cho người bệnh và gia đình./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết