Tiếng Việt | English

01/08/2016 - 11:31

Long An: Ngổn ngang hậu tái định cư

Để phục vụ các dự án đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh, nhiều hộ dân phải di chuyển chỗ ở, bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, đời sống người dân sau tái định cư vẫn là bài toán cần tiếp tục tìm lời giải nhằm bảo đảm quyền lợi cho dân.

Tiến độ hoàn thiện hạ tầng chậm

Long An hiện có 57 khu dân cư - tái định cư được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng. Tổng diện tích đất để xây dựng khoảng 1.740 ha, tổng số nền theo quy hoạch là 45.576 lô. Trong đó, số lô nền dành để bố trí tái định cư là 25.804.

Hạ tầng Khu dân cư Mỹ Yên yếu và nhếch nhác, dơ bẩn vì bụi

Trước đây, bà Huỳnh Thị Kim Tòng ở ấp 1, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, sau đó, nơi bà sống được quy hoạch thành khu tái định cư, chấp thuận chủ trương, bà di dời và cất nhà trên Khu dân cư Mỹ Yên, cũng thuộc ấp 1 (tái định cư tại chỗ). Thế nhưng sau 10 năm cất nhà trong khu dân cư, đến nay, nhà bà cũ kỹ nhưng hệ thống hạ tầng như đường đi (đường chính trong khu dân cư) vẫn chưa hoàn thiện. Mùa mưa thì đường sá lầy lội, nước ngập bì bõm, mùa nắng bụi bay mù mịt. Xung quanh khu dân cư, những lô nền chưa được cất nhà cỏ mọc "ngập đầu", dơ bẩn, nhếch nhác.

Bà Kim Tòng cho rằng, chỗ ở mới hiện tại không như bà mong muốn, bởi hạ tầng trong khu tái định cư chậm triển khai và đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thiện. Điều này làm ảnh hưởng đến điều kiện sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của gia đình bà và các hộ dân cư khác trong khu vực.

Khu dân cư Nhựt Chánh được hình thành nhằm bố trí chỗ ở cho người dân sau giải tỏa để thực hiện khu công nghiệp Nhựt Chánh. Khu dân cư có diện tích 34ha, đến nay có 29ha hoàn chỉnh hạ tầng. 5ha còn lại nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thanh Yến chưa thỏa thuận được giá đền bồi với 22 hộ dân (gồm đất và nhà trên đất).

Theo ông Nguyễn Thanh Thịnh - Phó Giám đốc Phòng Xây lắp Công ty Cổ phần Thanh Yến, 5ha đất chưa thỏa thuận được giá đền bồi nên công ty không thể triển khai xây dựng hạ tầng. Vấn đề này, công ty đang trong quá trình thỏa thuận với hộ dân chưa chịu giải tỏa cũng như các hộ dân chưa được bố trí lô nền để xây dựng nhà ở.

Chậm bàn giao quyền sử dụng đất cho dân

Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên - Phạm Duy An: “Việc chậm trễ trong bàn giao giấy CNQSDĐ cho người dân do nhiều nguyên nhân. Trước đây, nhà đầu tư hạ tầng khu dân cư là Công ty TNHH Thép Long An đã cầm cố 64 giấy CNQSDĐ của dân vào ngân hàng để thế chấp. Vừa qua, công ty giải quyết được và trả lại 13 giấy CNQSDĐ cho dân, hiện còn 51 giấy CNQSDĐ chưa trả lại cho người dân. Hiện nay, Khu dân cư Mỹ Yên được chuyển nhượng sang Công ty Phương Trang. Trách nhiệm trả lại giấy CNQSDĐ cho dân thuộc về đơn vị nào, chúng tôi đã kiến nghị đến huyện, tỉnh và đang chờ ý kiến giải quyết từ cấp trên”.

Ông Phạm Duy An cũng cho rằng, để tránh tình trạng hạ tầng khu dân cư chậm tiến độ đầu tư lẫn việc chậm bàn giao giấy CNQSDĐ, các dự án đầu tư, các ngành, các cấp thẩm quyền nên bắt buộc nhà đầu tư phải hoàn chỉnh hạ tầng mới được phân chia lô nền tái định cư.

Thực trạng người dân chậm được bàn giao giấy CNQSDĐ còn diễn ra ở nhiều khu dân cư khác trên địa bàn huyện Bến Lức. Khu dân cư Long Kim 2 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Long nợ 40 giấy CNQSDĐ do thay đổi thiết kế quy hoạch và công ty chưa nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Khu tái định cư Hoàng Long do nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển hạ tầng Hoàng Long thực hiện tại ấp 1, xã An Thạnh. Trong dự án này có tổng số lô nền là 235 lô, trong đó ưu đãi là 167 lô, tái định cư 68 lô. Nhà đầu tư bàn giao 150 lô nền cho dân và đã cấp giấy CNQSDĐ cho 58 lô. Như vậy còn 92 lô nền chưa được cấp giấy CNQSDĐ cho dân.

Người dân mong muốn được sống trong khu dân cư đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (Đường giao thông trong Khu dân cư Lợi Bình Nhơn)

Vấn đề này, tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND huyện Bến Lức (nhiệm kỳ 2016-2020) lần thứ 2 diễn ra vào cuối tháng 7-2016, Chủ tịch UBND huyện - Trương Văn Triều cho biết, hiện nay, công ty đang phối hợp với các ngành liên quan lập hồ sơ hợp nhất, lập bản đồ địa chính để tách thửa các lô đất và lập hồ sơ chuyển quyền cho các hộ thuộc diện bố trí tái định cư. Thời gian dự kiến hoàn thành cuối quí I-2016, nhưng đến nay vẫn còn “án binh bất động”.

Đối với các dự án tái định cư khác trên địa bàn huyện liên quan đến cấp giấy CNQSDĐ, UBND tỉnh giao cho các ngành liên quan kiểm tra, rà soát từng dự án để có hướng xử lý cụ thể nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Đời sống người dân vẫn bấp bênh

Trên địa bàn huyện Đức Hòa, từ khi có chủ trương lớn của Trung ương, tỉnh trong việc di dời, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thu hút các dự án công nghiệp lớn về với quê hương, những người dân ở các xã Hựu Thạnh, Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, Mỹ Hạnh Bắc,... luôn phấn khởi, hy vọng cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi. Thế nhưng, đằng sau niềm vui trong những ngôi nhà khang trang kiên cố, người dân trên vùng tái định cư đang phải đối mặt với nỗi lo mưu sinh khi không có công ăn việc làm ổn định.

Thực hiện chủ trương tái định cư, trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều vấn đề bất cập như nhà đầu tư yếu về năng lực tài chính, chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm trong tiển khai tái định cư,... dẫn đến chất lượng hạ tầng kỹ thuật không bảo đảm làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân khi vào ở.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng

Trong cái nắng gay gắt của những ngày hè, chúng tôi có mặt tại Khu tái định cư Tân Đức (khu tái định cư được xem là tương đối nhộn nhịp nhất so với các khu tái định cự khác ở Đức Hòa). Với diện tính 48ha, Khu tái định cư Tân Đức được quy hoạch với tổng cộng khoảng 6.000 nền, trong đó có vài trăm hộ dân cất nhà và vào ở. Tuy nhiên, không khí khá im ắng, những quán nước nhỏ trong khu tái định cư chỉ lác đác vài người khách, chủ yếu là người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

Ông Trần Bá Yên, 67 tuổi, một người dân thuộc diện được cấp đất tái định cư chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi có 0,5 ha đất vào quy hoạch khu công nghiệp, sau đó được cấp lại 7 lô. Tôi chia cho 4 đứa con mỗi đứa 1 lô, còn lại 1 lô cất nhà, bán 2 lô để đầu tư xây dựng. Trước đây, có ruộng đất, chúng tôi còn trồng lúa, hoa màu, giờ vô đây ở, "bó chân tay" trong 4 bức tường gò bó vô cùng. Các con tôi cất nhà trong khu tái định cư này cũng chủ yếu là để ở. Nói chung, theo tôi thấy, đa phần người dân khi vào ở đây đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn".

Bà Nguyễn Thị Mười, một hộ dân tại đường số 24, Khu tái định cư Tân Đức cho biết: "Người nông dân từ trước đến giờ chủ yếu sống bằng nghề nông, dân mất đất sản xuất lại đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Cuộc sống nghèo khó vẫn đang đeo đẳng từng ngày".

Tương tự, chị Nguyễn Thị Bê sống trong Khu dân cư Nhựt Chánh cho biết, trước đây, nhà chị có gần 1ha đất vừa đất thổ, đất lúa. 2 vợ chồng chị hàng ngày làm ruộng, nuôi heo và dệt chiếu. Tuy việc nhà luôn tay nhưng mỗi năm cũng dư vài chục triệu đồng. Từ ngày dời lên khu dân cư sống, 2 vợ chồng hơn 50 tuổi, không xin được việc làm ở khu công nghiệp nên đành mở quán café trước nhà. Sau khi trừ chi phí, 2 vợ chồng mỗi ngày chỉ kiếm được chưa tới 100.000 đồng tiền lãi. Số tiền này để trang trải cho 3 nhân khẩu trong nhà. Đến nay, chị còn thiếu hơn 200 triệu đồng với nhà đầu tư khu dân cư mà chưa đủ tiền trả để lấy giấy CNQSDĐ.

Một thực trạng khác khiến người dân đang sống trong khu dân cư Mỹ Yên, huyện Bến Lức không mấy hài lòng là hơn 1 năm nay, trong khu dân cư mọc lên khá nhiều nhà trọ cho thuê. Mỗi dãy nhà trọ trên dưới 10 phòng. Một người dân giấu tên cho biết, bây giờ khu dân cư gần như không được nhà đầu tư quản lý nên tình trạng xây dựng nhà trọ, mất an ninh, trật tự diễn ra khiến người dân bất an.

Với việc xây dựng nhà trọ hiện nay, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên - Phạm Duy An cho biết, có 6 trường hợp xây dựng nhà trọ trên đất khu dân cư. UBND xã lập biên bản 2 trường hợp, đề nghị UBND huyện xử phạt mỗi trường hợp 22,5 triệu đồng. 4 trường hợp còn lại, địa phương mời chủ nhà trọ lên làm việc nhưng họ chưa đến.

Nhà trọ trong khu dân cư Mỹ Yên

Trước những vấn đề trên, Sở Xây dựng sẽ sớm thành lập đoàn kiểm tra vào cuối năm 2016 để thu thập thêm thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời kiến nghị UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân./.

Thanh Tùng- Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết