Tiếng Việt | English

24/10/2016 - 15:56

Long An thông tin trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên

Sáng ngày 24/10, Sở Y tế Long An tổ chức họp báo cung cấp thông tin trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên trên địa bàn tỉnh Long An.


Đại diện lãnh đạo ngành Y tế trao đổi và trả lời câu hỏi của phóng viên

Như thông tin đã đưa trên Báo Long An trước đó, vào ngày 20/10/2016, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An nhận được thông báo kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP.HCM về 1 trường hợp nhiễm virus Zika đang cư trú tại Long An. Bệnh nhân là nữ, 4 tuổi, ở huyện Bến Lức.

Ngày 9/10/2016, bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt, phát ban. Ngày 10/10/2016, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, chẩn đoán sốt phát ban và được bác sĩ chỉ định điều trị ngoại trú, kèm lấy mẫu gửi Viện Pasteur xét nghiệm với kết quả dương tính với virus Zika.

Hiện tại, bệnh nhân bình phục sức khỏe. Ngay sau đó, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẩn trương phối hợp Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức điều tra dịch tễ, ca bệnh, nhanh chóng khoanh vùng xử lý ổ dịch, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Như vậy, đến ngày 24/10/2016, có 11 trường hợp nhiễm virus tại Việt Nam và đây là trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại tỉnh Long An.

Tại cuộc họp báo, có nhiều phóng viên đặt câu hỏi đối với Sở Y tế: Ngành Y tế tỉnh công bố vùng dịch chưa? Nguyên nhân bé gái ở Bến Lức bị bệnh? Hàng năm, ngành Y tế đều có kế hoạch phòng, chống Zika, sốt xuất huyết trên toàn tỉnh nhưng kế hoạch phòng, chống dịch thật sự đi vào đời sống, cộng đồng chưa?...

Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí, Phó Giám đốc Sở Y tế Long An - Tiến sĩ Võ Thị Dễ cho biết: Long An mới có 1 ca mắc, hiện bé ổn định sức khỏe, chưa phát hiện thêm ca nghi bệnh, nên chưa đủ điều kiện để công bố dịch. Nhưng ngành Y tế sẽ có quyết định theo dõi, giám sát dịch chặt chẽ. Nguyên nhân bé bị bệnh xác định ban đầu là do muỗi vằn, vì bé không đi đâu xa, không có đường lây truyền nào khác. Vấn đề quan trọng là diệt lăng quăng, diệt muỗi để cắt đứt nguyên nhân gây bệnh, tránh bệnh lây lan trong cộng đồng.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An - Bác sĩ Ngô Văn Hoàng, từ đầu năm 2016 đến nay, ngành Y tế phun thuốc diệt lăng quăng, diệt muỗi ở 74 xã (trong đó, có 7 xã ở huyện Bến Lức), là những xã có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng và vãng gia, phát 2.000 tờ áp phích, 40.000 tờ rơi và 250 đĩa phát thanh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.

Kết luận tại cuộc họp báo, Tiến sĩ Võ Thị Dễ mong cơ quan báo, đài tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cùng ngành Y tế cung cấp kiến thức, tuyên truyền sát về tình hình dịch bệnh, giúp người dân có thái độ đúng đắn về dịch bệnh và phối hợp tốt với ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch, không để dịch lây lan và hạn chế mức thấp nhất biến chứng do bệnh./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết