Tiếng Việt | English

14/02/2019 - 19:43

Long An thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững

Qua 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Long An giảm hộ nghèo từ 4,03% (năm 2016) xuống còn 2,22% (năm 2018).

Nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều xã xây dựng thành công xã văn hóa, nông thôn mới

Nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều xã xây dựng thành công xã văn hóa, nông thôn mới

Nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo

Từ năm 2016 đến nay, các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Theo đó, tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu cho 17 xã biên giới và 1 xã bãi ngang.

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Minh Thuận cho biết: “Xã Phước Vĩnh Đông thuộc xã bãi ngang nên được thực hiện dự án Chương trình 30a. Theo đó, xã được hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình như đường và cầu Xã Phan, đường và cầu Tắc Cạn,... Đặc biệt, xã còn được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế. Cụ thể, từ năm 2017-2018, xã xây dựng mô hình Nuôi tôm thẻ chân trắng và Nuôi gia cầm với 54 hộ nghèo, cận nghèo tham gia, trong đó hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ cho 35 hộ và 15 triệu đồng/hộ cho 19 hộ. Thông qua các chính sách, dự án, góp phần giảm hộ nghèo của xã còn 9,61%, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm”.

Trước đây, anh Nguyễn Thanh Nghiệm, ngụ xã Phước Vĩnh Đông, sống bằng nghề làm thuê, thu nhập bấp bênh. Vì thế, anh luôn mong ước có tiền cải tạo đất, đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình, xã hỗ trợ anh 10 triệu đồng từ chương trình phát triển sinh kế. Với số vốn trên, anh đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ chăn nuôi hiệu quả, gia đình anh đã thoát nghèo và trở thành hộ khá ở địa phương.

Anh Nguyễn Thanh Nghiệm vươn lên thoát nghèo nhờ số tiền hỗ trợ sinh kế

Anh Nguyễn Thanh Nghiệm vươn lên thoát nghèo nhờ số tiền hỗ trợ sinh kế 

Xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng thuộc xã biên giới nên được hỗ trợ theo Chương trình 135. Nhờ nguồn vốn từ chương trình, xã thành lập được nhiều mô hình hay trong công tác giảm nghèo như tổ hợp tác phun thuốc, nuôi bò sinh sản,... Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Điền A - Phạm Minh Phụng chia sẻ: “Từ nguồn vốn Chương trình 135, đời sống người dân được cải thiện, xóa dần mức sống chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Hơn hết, chương trình còn giúp xã xây dựng thành công xã văn hóa”.

Không thuộc xã bãi ngang hay xã biên giới nhưng công tác giảm nghèo tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đồng lòng, chung sức thực hiện bằng việc tranh thủ mọi nguồn lực. Năm 2008, xã được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 60 con bò giống nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện chăn nuôi, phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hoa, ngụ ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, cho biết: “Năm 2008, gia đình tôi được hỗ trợ 1 con bò giống. Đến nay, đàn bò của gia đình tôi được gần 20 con. Nhờ đàn bò này, gia đình tôi có điều kiện xây lại căn nhà mới khang trang, vươn lên thoát nghèo”.

Năm 2008, ông Nguyễn Văn Hoa được hỗ trợ 1 con bò giống

Năm 2008, ông Nguyễn Văn Hoa được hỗ trợ 1 con bò giống

Tạo động lực cho người nghèo

Ngoài việc trao “cần câu” cho người nghèo, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững còn tạo điều kiện cho người nghèo an tâm sản xuất bằng việc hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, xây dựng nhà tình thương,... Kết quả, năm 2018, tỉnh cấp 28.355 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, 45.382 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 11.868 lượt hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 8,2 tỉ đồng;...

Bà Đoàn Thị Thành, ngụ xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, thuộc diện hộ nghèo neo đơn. Hiện bà sống nhờ vào số tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Bà Thành tâm sự: “Tôi lớn tuổi nên thường xuyên đau ốm. Nhờ Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế nên tôi khám, chữa bệnh không phải tốn tiền. Ngoài ra, tôi còn được nhận quà, gạo từ nhà hảo tâm. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhà hảo tâm, cuộc sống của tôi cũng bớt khó khăn”.

Giúp người nghèo an cư là “chìa khóa” vàng để họ an tâm lao động, vươn lên ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh - Nguyễn Hoài Phong chia sẻ: “Năm 2018, thị trấn vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm xây dựng 8 căn nhà tình thương, bình quân mỗi căn trị giá 40 triệu đồng. Xác định xây dựng thị trấn văn minh đô thị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nên thời gian qua, chúng tôi tranh thủ mọi nguồn lực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm”.

Nhìn chung, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Qua đó, góp phần giúp nhiều địa phương xây dựng thành công xã văn hóa, nông thôn mới, nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết