Tiếng Việt | English

07/01/2019 - 19:24

Đức Huệ tập trung giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) tập trung triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Vùng biên khởi sắc

Đức Huệ có đường biên giới dài hơn 25km giáp huyện Chanh Tria, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. 3 năm qua (2016-2018), nhờ triển khai, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay, 5/5 xã biên giới trên địa bàn huyện thoát khỏi trình trạng đặc biệt khó khăn; 80% xã biên giới có đường giao thông nông thôn được láng nhựa, xe ôtô bánh có thể lưu thông thuận tiện đến trung tâm xã.

Đặt chân đến xã Mỹ Bình hôm nay, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự “thay da, đổi thịt” của vùng biên giới nghèo khó ngày nào. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Bình - Phạm Công Bằng phấn khởi: “Trước đây, việc đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa, lũ. Đến nay, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sức đóng góp của người dân, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn liên ấp, xã được nâng cấp, mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng dần mức sống của người dân địa phương”.

Hàng năm, nhiều học sinh tiểu học thuộc diện nghèo khu vực biên giới trên địa bàn huyện Đức Huệ được hỗ trợ chi phí trong học tập

Hàng năm, nhiều học sinh tiểu học thuộc diện nghèo khu vực biên giới trên địa bàn huyện Đức Huệ được hỗ trợ chi phí trong học tập

Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Mỹ Bình luôn xác định, muốn vùng quê ngày càng khởi sắc, địa phương nên tập trung phát triển KT-XH; trong đó, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, góp phần mang lại thu nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/năm (năm 2016 dưới 20 triệu đồng/người/năm), kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 20%.

Mặc dù xã biên giới Mỹ Quý Đông còn gặp nhiều khó khăn, song điều có thể nhận thấy khi đến nơi đây là kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống người dân: Điện, nước, trường, trạm,... dần được đầu tư hoàn thiện. Đến nay, 100% người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu, có điện thắp sáng, nước sinh hoạt và trên 90% hộ dân có phương tiện đi lại, nghe nhìn,... Sự thay đổi của Mỹ Quý Đông hôm nay là nhờ Đảng ủy, chính quyền địa phương biết phát huy tiềm năng, nội lực và sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Đảng, Nhà nước cho xã biên giới: Chương trình 135, vốn phát triển sản xuất, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hạ tầng,...

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ ấp 3, xã Mỹ Quý Đông, những năm qua, nhờ tiếp cận nhiều nguồn vốn vay: Dự án phát triển hộ cá thể, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, nguồn vốn hỗ trợ xoay vòng của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, nhiều hội viên, phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ổn định hơn. “Với nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 30 triệu đồng do Hội Phụ nữ xã ủy thác vay, tôi đầu tư nuôi bò, nuôi heo. Giờ đây, đàn bò, heo của gia đình tôi gầy dựng được hàng chục con, kinh tế khá giả, các con được ăn học đến nơi, đến chốn” - bà Hoa bộc bạch. 

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Huệ - Trần Quốc Bảo cho biết: “3 năm qua, huyện tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho các địa phương trên địa bàn, xây dựng 718 danh mục công trình với tổng kinh phí 512.800 triệu đồng; trong đó, đầu tư xây dựng ở 5 xã biên giới theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo 20 công trình (13 giao thông, 7 công trình thủy lợi) với tổng kinh phí trên 14.985 triệu đồng. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân vùng biên ngày càng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn dưới 15%”.

Hỗ trợ người nghèo, cận nghèo

3 năm qua, Đức Huệ hỗ trợ hàng tỉ đồng giúp người nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện phát triển sản xuất: Trồng lúa, nuôi trâu, bò. Riêng năm 2018, huyện hỗ trợ trên 1.362 triệu đồng giúp hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất. Trong đó, 5 xã biên giới của huyện (Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây, Bình Hòa Hưng, Mỹ Bình) được phân bổ hơn 1.209 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Đại, ngụ ấp 2, xã Mỹ Bình, bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo của xã. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất Chương trình 135, tín dụng ưu đãi cho người nghèo gần 50 triệu đồng, tôi mua 1 con bò giống và chi phí sản xuất 2ha chanh. Nhờ đó, hiện nay, đàn bò của gia đình tôi được 4 con, chanh cho trái, cuộc sống dần ổn định, vươn lên thoát nghèo”.

Ông Nguyễn Văn Đại, ngụ ấp 2, xã Mỹ Bình được Nhà nước hỗ trợ vốn, làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo

Ông Nguyễn Văn Đại, ngụ ấp 2, xã Mỹ Bình được Nhà nước hỗ trợ vốn, làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo

Theo ông Trần Quốc Bảo, ngoài chính sách hỗ trợ giảm nghèo về tín dụng ưu đãi, phát triển sản xuất, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng biên, huyện còn hỗ trợ trên lĩnh vực giáo dục, y tế, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, gia đình chính sách. 3 năm qua, huyện hỗ trợ chi phí học tập cho 3.080 học sinh mầm non, tiểu học, THCS với số tiền trên 2.663 triệu đồng, miễn, giảm học phí cho 5.542 học sinh với số tiền hơn 1.180 triệu đồng; cấp 28.358 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và hỗ trợ trên 3.799 triệu đồng tiền điện cho hộ nghèo, gia đình chính sách.

“Thời gian tới, huyện Đức Huệ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo một cách căn cơ, bền vững. Phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các tổ chức thành viên trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, làm tốt công tác quản lý, xác định hộ nghèo, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đặc biệt, huyện phát huy hơn nữa phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện tốt chương trình xã hội hóa, bảo đảm hộ nghèo tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ, vốn ưu đãi giảm nghèo bền vững,...” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ - Lê Văn Nên thông tin./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết