Tiếng Việt | English

17/04/2017 - 21:24

Long An thực hiện tốt phòng, chống bệnh lao

Với sự nỗ lực của những người làm công tác phòng, chống lao và sự phối hợp tuyên truyền của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, thời gian qua, Long An kiểm soát được bệnh lao.

Khi có những biểu hiện bệnh, cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị

Trong năm qua, chương trình mục tiêu phòng, chống lao được triển khai sâu rộng trong nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, các chỉ tiêu đề ra về công tác phòng, chống lao đều đạt và vượt kế hoạch.

Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An - bác sĩ Lê Văn Bảy chia sẻ: “Long An được Dự án Phòng, chống lao Quốc gia đầu tư hệ thống Gene Xpert. Đây là ứng dụng kỹ thuật phát hiện lao nhanh, lao kháng thuốc, tạo điều kiện thuận lợi hơn so với trước đây trong việc tầm soát lao, nhất là lao kháng thuốc, giúp tỉnh chủ động trong lĩnh vực khám, phát hiện bệnh lao.

Năm 2016, tổng số trường hợp bệnh lao các thể được phát hiện, thu dung là 2.285 người, đạt trên 97% kế hoạch; trong đó có 1.125 trường hợp lao phổi có vi trùng. Bên cạnh đó, tổng số bệnh nhân thu dung lao kháng thuốc được phát hiện và điều trị là 55/55 bệnh nhân, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch. Hiện tuyến tỉnh đang quản lý điều trị 83 bệnh nhân lao kháng thuốc; định kỳ tái khám hàng tháng. Đối với lao phổi có vi trùng, tỷ lệ điều trị khỏi là 92% (chỉ tiêu chương trình mục tiêu quốc gia ≥ 85%). Tỷ lệ bỏ trị chung toàn tỉnh là 1,2% (chỉ tiêu dưới 1,5%), giảm 0,1% so với cùng kỳ.

Tuyến y tế từ tỉnh đến cơ sở tăng cường phát hiện lao kháng thuốc trong các nhóm nguy cơ cao. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn lây kháng thuốc thông qua giám sát điều trị và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm. Ngoài ra, các cơ sở y tế cung ứng vật tư, trang thiết bị và thuốc đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định, hướng dẫn của chương trình chống lao quốc gia. Từ đó, không có ổ dịch bùng phát.

Được biết, đối với bệnh nhân lao kháng thuốc sẽ được thu dung và điều trị 2 tuần đầu tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về điều trị tại tuyến y tế cơ sở và được giám sát chặt chẽ bởi nhân viên y tế. bệnh nhân được tái khám định kỳ hàng tháng, phác đồ điều trị khỏi bệnh lao kháng thuốc là 20 tháng.

Xét nghiệm bệnh lao

Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, tư vấn của mạng lưới y tế tuyến xã và mạng lưới cộng tác viên của chương trình chống lao quốc gia được đẩy mạnh. Từ đó, các bệnh nhân mắc lao khi được tuyên truyền, vận động cũng như được quan tâm và chia sẻ, họ có chuyển biến tích cực về nhận thức, tự tìm đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm và điều trị bệnh.

Bệnh nhân Võ Minh Tâm, ngụ ấp Bình Trị 1, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành chia sẻ: “Tôi thấy sức khỏe mình ngày càng sa sút, ho dai dẳng không khỏi nên đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành một thời gian thì được chuyển lên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để điều trị. Sau 3 tuần điều trị, sức khỏe của tôi dần ổn định. Sau khi xuất viện, tôi tiếp tục điều trị đúng chỉ định của bác sĩ”.

Bên cạnh những kết quả, công tác phòng, chống bệnh lao còn gặp nhiều khó khăn. Việc phát hiện, xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là điều cực kỳ quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh. Tuy nhiên, công tác phát hiện nguồn lây còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nhân sự và sự hiểu biết của người dân về bệnh lao, cách phòng tránh còn hạn chế. Tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị còn cao. Đội ngũ làm công tác phòng, chống lao trên địa bàn có trình độ chuyên môn không đồng đều.

Theo bác sĩ Lê Văn Bảy, xu hướng bệnh lao kháng thuốc đang tăng trong toàn quốc nên đòi hỏi kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều trị của cán bộ làm công tác phòng, chống lao trong tỉnh. Vì vậy, các cơ sở y tế cần tiếp tục nâng cao chất lượng khám, điều trị và chăm sóc người bệnh toàn diện. Phấn đấu năm 2017, toàn tỉnh có 85% lao phổi dương tính được phát hiện và điều trị khỏi; tỷ lệ phát hiện bệnh nhân mắc bệnh lao phổi có vi trùng mới phát hiện là 81/100.000 dân. Tỷ lệ phát hiện các thể bệnh lao là 158/100.000 dân; tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao có vi trùng cho bệnh nhân mới mắc đạt trên 85%; tỷ lệ mắc lao kháng thuốc dưới 5% trong số bệnh lao mới phát hiện.Tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao kháng thuốc đạt 75%.

Tiêm phòng vắc-xin phòng ngừa bệnh lao đầy đủ và đúng lịch là một trong những biện pháp phòng tránh bệnh

“Để đạt mục tiêu này, mong rằng, các ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục phối hợp đội ngũ làm công tác phòng, chống lao tỉnh nhà đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân nâng cao kiến thức về bệnh lao và công tác phòng, chống, giảm kỳ thị đối với người bệnh lao. Ngoài ra, cán bộ làm công tác phòng, chống lao cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng lao, đặc biệt lao trẻ em, lao kháng thuốc và lao/HIV” - bác sĩ Bảy cho biết thêm.

Bên cạnh công tác phòng, chống lao của ngành Y tế, người dân cần thực hiện tiêm phòng vắc-xin phòng ngừa bệnh lao đầy đủ và đúng lịch. Khi có những biểu hiện: Ho kéo dài trên 2 tuần, sốt, ớn lạnh về chiều, ăn uống kém, sụt cân,... thì người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Mặt khác, bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính phải thường xuyên kiểm tra định kỳ để tầm soát bệnh lao sớm và điều trị kịp thời./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết