Long trọng kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ kêu gọi thi đua ái quốc
Sáng 03/6, tại Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948-11/6/2018).
Sáng 03/6, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948-11/6/2018) và tuyên dương các anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động qua các thời kỳ.
Văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”
Dự lễ kỷ niệm có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng trung ương Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Trần Quốc Vượng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và thành phố trực thuộc Trung ương... Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đặc biệt, 700 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến qua các thời kỳ, là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua yêu nước từ mọi miền Tổ quốc, trên các lĩnh vực, đã về dự lễ kỷ niệm.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đọc diễn văn kỷ niệm
Đọc diễn văn kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, ngay trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ, trong bối cảnh vô cùng khó khăn, trước nguy cơ của giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, thế nước như “Ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 27/3/1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị phát động thi đua ái quốc nhằm làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.
Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” với mục đích thi đua là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân.
Vì vậy, bổn phận của người dân Việt Nam bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, làm việc gì đều phải thi đua. Thi đua ái quốc sẽ lan rộng khắp mọi mặt đời sống nhân dân, dẹp tan khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta nhất định thắng lợi.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa các đại biểu điển hình tiên tiến trong thi đua ái quốc
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác dụng lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều phong trào thi đua yêu nước cụ thể đã được phát động và hưởng ứng mạnh mẽ sâu rộng trong cả nước như phong trào “Tuần lễ vàng”, “Vụ chiêm thắng lợi”, “Vụ mùa chủ lực”, “Cơm no, súng tốt, đánh thắng”, “Thanh toán mù chữ”, “Bình dân học vụ”...
Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Hàng chục vạn chiến sĩ, dân công từ khắp các nẻo đường Tổ quốc đã vượt qua bom đạn, đèo cao, vực sâu để chuyển hàng chục vạn tấn lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Hàng vạn thanh niên xung phong ngày đêm anh dũng mở đường, bảo đảm giao thông và hậu cần phục vụ chiến đấu. Đồng bào ở hậu phương ra sức thi đua tăng gia sản xuất; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong công nhân diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi; ngành giáo dục tham gia xóa nạn mù chữ; ngành quân giới thi đua sản xuất nhiều vũ khí phục vụ chiến đấu; chiến sĩ thi đua giết giặc lập công...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa các đại biểu điển hình tiên tiến trong thi đua ái quốc
Tặng hoa các đại biểu điển hình tiên tiến trong thi đua ái quốc
Từ các phong trào thi đua, nhiều tấm gương sáng đã xuất hiện. Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có 154 chiến sĩ thi đua công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc về dự.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá kết quả thi đua và nhấn mạnh: "Thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là tinh thần quốc tế, là góp phần giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới. Thi đua là cải tạo con người. Phong trào thi đua là một trong những thắng lợi lớn của nhân dân ta trong mấy năm kháng chiến này. Nó sẽ làm đà cho những thắng lợi to lớn hơn nữa về quân sự, chính trị, kinh tế". Và Người khẳng định: "Người người thi đua, ngành ngành thi đua; ta nhất định thắng, địch nhất định thua".
Đại hội đã bầu 3 Anh hùng Lao động là Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Hoàng Thăng; 4 Anh hùng quân đội là Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị. Đây là 7 anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của quân và dân Việt Nam. Chính sự động viên đó đã tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng, động lực mạnh mẽ. Nhiều tấm gương quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã xuất hiện.
Tặng hoa các đại biểu điển hình tiên tiến trong thi đua ái quốc
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 11/6 hằng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước. Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện, triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch nước khẳng định, 70 năm qua, trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới những tên gọi, nội dung, hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ.
Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta, càng khẳng định thi đua là động lực tinh thần và qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động nhân tài, vật lực, sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đây vừa là kinh nghiệm thực tiễn, vừa bổ sung và khẳng định quan điểm, tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua là động lực, là biện pháp để động viên nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng cờ thi đua cho 20 đơn vị có thành tích cao trong cả nước
Trong thời gian tới, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của đất nước và hội nhập ngày càng sâu rộng trong khu vực và quốc tế cũng như cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tạo ra cả cơ hội và thách thức
Thấm nhuần tư tưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy của Người "càng khó khăn, càng phải thi đua", thi đua - khen thưởng là động lực phát triển, là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới.
Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên liên tục hằng ngày, từ đó đòi hỏi chúng ta càng nỗ lực hơn tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc tổ chức thực hiện, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót để thi đua thực sự trở thành động lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.
Giao lưu với Thượng úy Trần Bình Phục, bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau
"Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, giúp mỗi chúng ta ôn lại truyền thống, nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng thi đua yêu nước của Người, phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, vượt qua khó khăn, chung sức, đồng lòng cùng đất nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" - Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã được gặp gỡ, giao lưu với nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, những con người đã vượt lên khó khăn, gian khổ để khẳng định sức sáng tạo, tinh thần lao động miệt mãi; những con người đã thầm lặng hy sinh, cống hiến vì cộng đồng, vì sự đi lên của đất nước.
Giao lưu với anh Phạm Văn Hát chế tạo robot gieo hạt
Trường ĐH Lạc Hồng
Đó là Thượng úy Trần Bình Phục, bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, người thầy giáo bị ung thư máu mở lớp học 0 đồng xoá mù chữ cho trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Đó là Anh hùng lao động, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đem kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam, đem lại niềm vui cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn. Anh nông dân Phạm Văn Hát mới chỉ học hết lớp 7 nhưng chế tạo được robot gieo hạt xuất khẩu đến nhiều nước…
Anh hùng lao động, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (thứ 2 từ phải sang), người đem kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam gặp lại cậu bé đầu tiên (năm nay 18 tuổi) của Việt Nam được sinh ra từ kỹ thuật trên
Đây cũng là những cá nhân nằm trong số 70 điển hình tiên tiến tiêu biểu qua các thời kỳ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa tuyên dương tại lễ kỷ niệm. Những tấm gương như minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt của các phong trào thi đua yêu nước và giá trị vượt thời gian của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.
Đoàn đại biểu đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn đại biểu điển hình tiên tiến dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Thanh Bình/VOV.VN
- Đình Phước Đông được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh (15/01)
- Quê hương của người anh hùng Võ Tấn Đồ (15/01)
- Thương lắm, xuân quê! (14/01)
- Khám phá vẻ đẹp Pháp cổ tại trụ sở UBND TP.HCM (14/01)
- Phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với bảo tồn di sản (13/01)
- Xuân hạnh phúc (12/01)
- Cỏ bàng sợi nhớ, sợi thương… (12/01)
- Tưng bừng Lễ hội hoa Anh Đào - Điện Biên Phủ 2025 (11/01)