3 thế hệ gia đình thầy Trần Văn Tốt (người thứ 6, trái qua)
1. Cả 3 thế hệ đều nối tiếp nhau gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Đó là gia đình thầy Trần Văn Tốt, sinh năm 1936. Gia đình thầy hiện có 7 thành viên theo nghề dạy học ở cả 3 thế hệ.
Năm 1956, sau khi học xong 2 năm chương trình của Pháp ở Sài Gòn, thầy Tốt về giảng dạy tại Trường Tiểu học Phú Mỹ - Định Tường (ngày nay là huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) khoảng 2 năm. Sau đó, thầy chuyển về Trường Tiểu học Bình Quới giảng dạy. Ngôi trường miền quê nghèo với phòng học tạm bợ, mái lá đơn sơ ngày ấy cũng chính là nơi thầy từng học và gắn bó suốt bậc học tiểu học. Những năm tháng chiến tranh, học trò ở các vùng lân cận ước mơ muốn học con chữ phải lặn lội đến lớp với bao nhọc nhằn. Thầy Tốt bùi ngùi, xúc động: “Kiến thức mà người thầy trang bị cho học sinh chính là “Tiên học lễ, hậu học văn”, để rèn các em biết lễ nghĩa, sau đó mới dạy các em biết đọc, biết viết”.
Suốt gần 40 năm theo nghề giáo, thầy Tốt có 13 năm làm Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Bình Quới. Năm 1996, thầy nghỉ hưu nhưng nghề giáo được các thế hệ con, cháu trong gia đình tiếp nối. Tiếp bước truyền thống của cha, 3 trong số 8 người con của thầy theo nghề giáo. Đó là cô Trần Thị Thúy Phượng, giáo viên hưu trí; cô Trần Thị Thúy Hằng hiện là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nhựt Tảo, TP.Tân An và cô Trần Thị Thúy Hạnh hiện là giáo viên môn Tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Văn Thăng, huyện Châu Thành.
Ngoài ra, gia đình thầy còn có 2 con rể và 2 cháu ngoại (con trai và con dâu của cô Trần Thị Thúy Hằng) cũng theo nghề giáo.
Chia sẻ về nghề, thầy Trần Văn Tốt nói: “Tôi thích nghề giáo vì đây là nghề thanh liêm. Đặc biệt, thành quả lao động của nghề giáo chính là đào tạo con người, vì vậy, người thầy phải có cái tâm trong sáng. Đáng mừng là các thế hệ trong gia đình tôi đều tự nguyện gắn bó, bền bỉ với nghề”.
Cô Trần Thị Thúy Phượng, người con cả của thầy Tốt, cho biết: “Tôi luôn nhớ về những lời dặn dò của ba trước khi bước vào nghề giáo. Một người thầy, đối với học sinh phải gương mẫu, yêu thương, bao dung,...”.
Đại gia đình nhà giáo của thầy Trần Văn Tốt hiện có người nghỉ hưu, có người đang đứng trên bục giảng, góp phần đào tạo bao lớp học trò thành đạt bằng tấm lòng tận tụy. Dù bước sang tuổi 80, thầy Trần Văn Tốt vẫn phát huy tinh thần “Tuổi cao - gương sáng”, động viên con, cháu tiếp tục gìn giữ nếp nhà, nét đẹp của “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Tấm gương hết lòng với nghề của thầy gieo mầm tận tâm cho nhiều thế hệ nhà giáo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục của địa phương.
Với những đóng góp đáng quý cho ngành Giáo dục và Đào tạo huyện nhà, thầy Trần Văn Tốt vinh dự nhận Huân chương Vì sự nghiệp giáo dục, bằng khen của UBND tỉnh trao tặng gia đình thầy về thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005-2010 và thành tích gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc 10 năm (2001-2011).
2. Rời nhà thầy Tốt, chúng tôi tìm đến nhà thầy Huỳnh Văn Tất đang ở tuổi 80. Trong 5 người con của thầy, có 3 người theo nghề giáo. Và 2 người con dâu, rể của thầy cũng là giáo viên. 35 năm công tác là ngần ấy năm, thầy Tất gắn bó với bảng đen, phấn trắng, nâng niu từng nét chữ học sinh.
Thầy Huỳnh Văn Tất chụp ảnh cùng con gái (cô Huỳnh Thị Thanh Nga) và con rể (thầy Nguyễn Huy Hoàng)
Hùng Anh
Năm 1957, thầy Tất được phân công về dạy tại Trường Phước Lâm, huyện Cần Giuộc. Sau hơn 1 năm, thầy chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Long Sơn, huyện Cần Đước. Qua thời gian dài chuyển công tác từ Trường Tiểu học Phước Lý (huyện Cần Giuộc), Cầu Trạm (Long Trạch, huyện Cần Đước), Bến Lức và Trường Tiểu học Bình Tây (quận 6, TP.HCM), thầy trở về giảng dạy tại Trường Tiểu học Long Hòa (huyện Cần Đước). Đến năm 1983, thầy công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Đước cho đến lúc về hưu vào năm 1992.
Thầy Tất cho biết: “Có lúc gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn động viên các con cố gắng theo nghề, dù đồng lương không cao nhưng thanh bạch, thanh cao, giúp ích cho xã hội, giúp ích cho con em nhiều thế hệ sau. Các con nghe lời tôi, cố gắng vượt qua mọi khó khăn và trở thành những người thầy, cô giáo tận tâm với học trò. Mấy đứa con tôi giờ công tác tốt, trở thành giáo viên giỏi. Đó là niềm vui của bậc làm cha, làm mẹ và đặc biệt, các con mình tiếp nối nghề giáo của gia đình”.
Người con gái của thầy Tất - cô Huỳnh Thị Thanh Nga tốt nghiệp bộ môn Hóa-Sinh của Trường Cao đẳng Sư phạm Long An năm 1982. Cô công tác 8 năm tại Trường Tiểu học-THCS Long Hòa. Sau đó, cô học Đại học Sư phạm TP.HCM ngành Hóa học và về công tác tại Trường THPT Rạch Kiến, huyện Cần Đước năm 1990 cho đến nay.
Cô Nga chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi thấy ba đi dạy mà lại đem theo đồ cắt móng tay. Tôi hỏi ba đem để làm gì, ba nói để vào lớp cắt móng tay cho các em học sinh nghèo, tay chân các em dính đầy bùn, đất. Rồi ba đem bút chì, tập cho các em. Tối về, ba còn bảo tôi giúp ba viết danh sách học sinh trong lớp. Lòng yêu nghề trong tôi có từ đó. Vì vậy, tôi đi theo nghề giáo nối nghiệp ba. Thương ba, yêu nghề giáo, tôi luôn tận tâm, hết lòng, hết sức vì học trò của mình”.
Thầy Nguyễn Huy Hoàng, con rể của thầy Tất hiện là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Rạch Kiến cho biết: “Tôi rất vinh dự là con rể của gia đình nhà giáo tiêu biểu như ba. Bản thân tôi cố gắng hết sức phục vụ ngành giáo dục, góp phần giảng dạy cho các thế hệ học sinh trở thành con ngoan, trò giỏi”.
Ở độ tuổi đáng lẽ ra phải nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu, nhưng thầy Tất vẫn mộc mạc với chiếc xe đạp bạc màu sơn tham gia các phong trào tại địa phương. Hàng năm, thầy còn vận động các nhà hảo tâm, đó là những học trò thầy từng giảng dạy, ngày nay thành tài về quê hương, hỗ trợ Quỹ Khuyến học Trường Tiểu học Long Sơn.
Trải qua những ngày tháng khó khăn với đồng lương ít ỏi, cuộc sống cực nhọc một thời đè nặng lên vai những người thầy, không ít lần, nhiều giáo viên nghĩ đến việc phải rời bục giảng, phấn trắng vì cuộc sống gia đình; thế nhưng, tình yêu học trò, ngọn lửa cháy bỏng với nghề giúp các thế hệ thầy, cô quyết tâm đứng vững. Sự nhiệt huyết cùng tấm lòng bao dung, tận tâm, tận tụy mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình thầy Trần Văn Tốt, thầy Huỳnh Văn Tất và nhiều thầy, cô giáo khác. Giờ đây, vào tuổi nghỉ hưu, các thầy, cô hưởng cuộc sống vui tươi, yên bình bên cạnh con, cháu ngoan hiền, hiếu thảo nhưng ngọn lửa nghề vẫn cháy mãi trong tim./.
Hùng Anh