Tiếng Việt | English

08/01/2021 - 01:55

Lực lượng 389 phát hiện, xử lý trên 3.300 vụ vi phạm

Phó Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh Long An, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Phạm Đức Chinh cho biết, năm 2020, tình hình gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm trong lĩnh vực thuế, hải quan vẫn còn xảy ra tương đối phức tạp.

Đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn xảy ra, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Thuốc lá điếu nhập lậu do lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, bắt giữ

Trong năm, các lực lượng trực thuộc 389 đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 3.363 vụ việc vi phạm. Trong đó, phát hiện, xử lý 1.239 vụ việc kinh doanh, vận chuyển hàng lậu; 17 vụ  hàng kém chất lượng; 16 vụ hàng giả nhãn hiệu, 12 vụ phân bón giả và 2.079 vụ gian lận thương mại. Qua đó, thu nộp ngân sách trên 427 tỉ đồng. Hàng hóa, phương tiện tạm giữ, tịch thu gồm: 2.249.348 gói thuốc lá ngoại (tăng 407.573 gói), 37.700kg đường cát, tạm giữ 440 xe gắn máy hai bánh là phương tiện vận chuyển, 110 chiếc xe ôtô là phương tiện vận chuyển. Điều tra, khởi tố vụ án 67 vụ/90 đối tượng (tăng 16 vụ/32 đối tượng) so với năm 2019.

Theo nhận định, năm 2021, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ trên địa bàn tỉnh có những thuận lợi, khó khăn đan xen nhau. Trong đó, đại dịch Covid-19 dự báo tiếp tục tác động tiêu cực nhiều mặt đến tình hình phát triển KT-XH. Do đó, BCĐ 389 tỉnh yêu cầu các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để không xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung hàng hóa cũng như lợi dụng để tăng giá đột biến, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, gây bất ổn thị trường.

Theo đó, BCĐ 389 tỉnh yêu cầu các lực lượng xác lập các chuyên án, kế hoạch tập trung vào những đường dây, ổ, nhóm, các đối tượng chủ mưu cầm đầu; tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm như: Thuốc lá, đường cát, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, chất cấm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc và một số hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết