Tiếng Việt | English

21/05/2017 - 11:06

Lưu giữ nghề rèn truyền thống

Từ bao đời nay, chưa bao giờ các lò rèn ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An tắt lửa. Ở đây, nghề rèn không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là nghề truyền thống, một cái nghiệp khi đã “bén duyên” với nó thì không thể nào dứt ra được.

Những bếp nung đỏ lửa

“Các nông cụ cầm tay như dao, búa, liềm, phảng được các lò rèn nơi đây làm ra nổi tiếng xưa nay. Không chỉ được người dân trong tỉnh ưa chuộng mà các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau,... cũng lấy hàng từ đây về bán” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Thành - Lê Văn Kịp cho biết.

Các lò rèn ở Nhị Thành dần dần được trang bị máy phục vụ sản xuất

Làng rèn Nhị Thành ngày nay không còn tấp nập xuồng ghe như xưa, cũng không còn cảnh mỗi lò gần 10 người thợ với hình ảnh người cắt sắt, người nung, người đập, người mài,... nhưng các lò nung vẫn còn đỏ lửa, tiếng đe, tiếng búa vẫn vang lên đều đều.

Anh Lê Minh Hồng, ngụ ấp 4, cho biết: “Trước đây, khu vực này là vùng đất hoang nên các nông cụ như phảng, búa, liềm dùng phục vụ công cuộc khai khẩn bán rất đắt. Cả làng có gần 100 lò rèn với gần 1.000 thợ lành nghề. Các lò phải làm ngày lẫn đêm mà vẫn không kịp giao hàng”.

Để trở thành một người thợ rèn thạo nghề có khi phải học 3-4 năm. Nghề rèn đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai, đôi mắt tinh tế và đôi tay thuần thục, đồng thời phải chịu đựng nhiệt độ cao trong thời gian dài.

Vì vậy, đến với nghề rèn không chỉ làm để nuôi sống bản thân mà những người thợ luôn xem đây là nghề truyền thống, cần được tiếp nối và phát triển. Nhưng ngày nay, xã hội phát triển, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng thì các sản phẩm truyền thống dần gặp nhiều khó khăn, các lò cũng dần thu hẹp lại.

Tìm hướng đi cho nghề rèn

Được công nhận là nghề truyền thống với trên 100 năm phát triển, nhưng nơi đây vẫn còn nhiều lò rèn sản xuất bằng tay với các lò nung bằng than. Dù có nhiều năm kinh nghiệm nhưng nhiều chủ lò cho rằng, với phương thức sản xuất đậm tính thủ công thì khó làm ra số lượng lớn và tốn nhiều nhân công cho các công đoạn.

Trước nhu cầu hiện nay, nhiều lò được hỗ trợ vốn để mua thêm máy móc phục vụ công việc. Thời gian tới, các lò sẽ thay thế hoàn toàn từ nung bằng than sang bằng điện để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Ở các lò rèn cũng có nhiều cách để giữ thị trường truyền thống như tự sản xuất và giao hàng tận nơi, đồng thời giữ giá các mặt hàng ổn định trong thời gian dài.

Anh Nguyễn Văn Liêm, ngụ ấp 4, cho biết: “Vì đây là nghề lưu truyền qua nhiều đời nên những người theo nghề quyết gắn bó”.

Nghề rèn nói chung và những người thợ rèn nơi đây nói riêng vẫn hàng ngày làm ra những sản phẩm tốt hơn từ đôi tay và công sức chân chính để đáp ứng nhu cầu của những người vẫn muốn sử dụng sản phẩm truyền thống này./.

Nặng nợ với nghề rèn

Nặng nợ với nghề rèn 

Cập Nhật 14-07-2015

Nghề rèn ở xã nhị thành, huyện Thủ Thừa là một trong những nghề thủ công truyền thống mang đậm dấu ấn lao động nông nghiệp, gắn liền với công cuộc khai phá, mở mang của vùng đất phương nam...

Mỹ Duyên-Lan Phương

Chia sẻ bài viết