Tiếng Việt | English

14/07/2015 - 11:26

Nặng nợ với nghề rèn

Nghề rèn ở xã nhị thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là một trong những nghề thủ công truyền thống mang đậm dấu ấn lao động nông nghiệp, gắn liền với công cuộc khai phá, mở mang của vùng đất phương nam. Mặt nám, tay chai, da sạm,…nhưng đằng sau những giọt mồ hôi chát mặn là niềm vui, hạnh phúc của người thợ rèn trước thành quả lao động cho bản thân và cộng đồng. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, nghề rèn thủ công truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.

Các công đoạn để tạo ra sản phẩm

Một thời hoàng kim

Theo những người cao tuổi đã có thâm niên hàng chục năm với nghề rèn ở Nhị Thành thì lò rèn nơi đây đã có từ rất lâu đời và trải qua biết bao thăng trầm.

Thời hoàng kim của nghề rèn Nhị Thành là vào giai đoạn 1978 - 1988. Đó là thời kỳ người dân với các dụng cụ như dao, cuốc, xẻng, leng,… tập trung phục vụ cho công cuộc khai phá đất hoang ở vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên,…

Các sản phẩm của làng nghề rèn ở Nhị Thành, Thủ Thừa

Những năm đó, các lò rèn ở Nhị Thành luôn đỏ lửa cả ngày lẫn đêm, mùi khói than, mùi sắt thép, tiếng phì phò của bể hơi, tiếng đe, tiếng quai búa chan chát cứ thế vang lên đều đặn để đáp ứng kịp thời nhu cầu của nông dân trong công cuộc khai hoang, mở đất, sản xuất.

Đó chính là thời điểm nghề rèn Nhị Thành khẳng định vị trí và được xem là nghề “hái ra tiền”.

Lúc ấy, quá trình cơ giới hóa nông nghiệp chưa cao, sản phẩm làm ra được người dân ưa chuộng, sức tiêu thụ mạnh nhằm cung ứng không chỉ cho nhu cầu của người dân trong tỉnh mà còn nhận đơn đặt hàng ở khắp các tỉnh thành lân cận.

Thế nhưng quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, máy móc dần thay thế sức người. Những dàn máy móc hiện đại, theo hệ thống dây chuyền có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm công nghiệp trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, những vật dụng thủ công như cái cày, cái cuốc, cái lưỡi liềm dần được thay thế bằng máy nông nghiệp như máy xới, máy cày, máy gặt đập liên hợp thì những người làm nghề rèn ở Nhị Thành gặp không ít khó khăn. Lần lượt, nhiều lò rèn ở Nhị Thành phải thu hẹp sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Kịp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Thành cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã Nhị Thành còn hơn 40 hộ vẫn bám trụ với nghề rèn, tập trung chủ yếu ở các ấp 3, 4 và 5. Con số này ngày càng giảm qua mỗi năm. Cứ đà này, nghề rèn vốn là nghề truyền thống của cha ông sẽ có nguy cơ thất truyền”.

Khi được tìm hiểu về công đoạn cũng như bí quyết của nghề, cụ Lê Minh Nhựt, người có thâm niên trên 60 năm theo nghề, năm nay 82 tuổi, ở ấp 4, xã Nhị Thành, cho biết: “Nghề nào cũng đòi hỏi bí quyết và kinh nghiệm. Với thợ rèn, để sản phẩm làm ra đạt chất lượng, đòi hỏi người thợ phải bền bỉ, kiên trì và tỉ mỉ. Người thợ rèn lựa chọn sắt thép, biết nhìn độ lửa để tạo ra độ sắc, bền cho từng sản phẩm, những kinh nghiệm ấy do người thợ chắc lọc qua những năm tháng cần mẫn với nghề. Để làm ra sản phẩm rèn, phải trải qua nhiều công đoạn như cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho đến khi định hình được sản phẩm. Ở khâu gia công sản phẩm thì có bào, gọt, liết, làm chuôi, tra cán, mài, lau chùi,… Hoàn thành các công đoạn trên là trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh như ý và đưa vào sử dụng".

Bám trụ với nghề

Hiện nay, làng nghề lò rèn ở Nhị Thành đang bước vào giai đoạn khó khăn, nhiều thợ theo nghề lâu năm đã bỏ nghề để tìm nghề mới đỡ vất vả, thu nhập ổn định hơn.

Ông Bùi Văn Phơ (ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) thợ rèn lâu năm ở xóm rèn Cầu Bông cho biết: “Những năm gần đây nghề rèn khó khăn lắm, đặc biệt là bị cạnh tranh bởi những sản phẩm nhập từ nước ngoài. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu thông qua trung gian nên bị ép giá,… Trước đây khi nhắc đến xóm rèn Cầu Bông thì ai cũng biết nguyên cả xóm đỏ lửa suốt ngày lẫn đêm. Ngày nay, số hộ còn bám trụ lại với nghề rèn đếm trên đầu ngón tay. Người thợ rèn như tụi tui chỉ lo cái nghề truyền thống của ông cha để lại bị mai một dần vì thế hệ tiếp nối chứ mấy đứa con trai tôi không đứa nào mặn mà với nghề vừa nặng nhọc, thu nhập không cao và lại vất vả nữa!”.

Bên cạnh đó, trên thị trường, các dụng cụ làm bằng kim loại như dao, kéo,… phục vụ sinh hoạt được làm bằng chất liệu inox của Thái Lan, Trung Quốc sáng bóng, mẫu mã bắt mắt được bày bán phong phú, đa dạng làm cho sản phẩm nghề rèn khó có thể cạnh tranh. Hơn nữa, vật liệu sắt, thép hiện nay rất đắt nên người làm nghề rèn thu nhập không cao.

Tuy vậy, hiện tại một bộ phận nông dân vẫn chuộng những sản phẩm do nghề rèn truyền thống làm ra. Nhiều khách hàng lâu năm đã quen việc sử dụng những công cụ thủ công cho rằng, dụng cụ bằng inox trên thị trường hiện nay rất nhiều, mẫu mã đẹp nhưng không sắc, bền bằng sản phẩm thủ công truyền thống, bởi sản phẩm rèn thủ công là kết quả của sự đúc kết kinh nghiệm của cha ông ta trong quá trình lao động sản xuất.

Mặc dù vậy nhưng hiện tại do nhiều nguyên nhân, từ chuyện cơm, áo, gạo, tiền; công việc vất vả, thu nhập không cao; đến sự cạnh tranh gay gắt của thị trường nên không ít lò rèn thủ công truyền thống có uy tín đã phải đóng cửa, làm cho nghề rèn truyền thống ở Nhị Thành, huyện Thủ Thừa nói riêng và tỉnh Long An nói chung bị mai một dần.

Hiện tại, xã Nhị Thành chỉ còn lại một vài người tâm huyết nỗ lực “giữ lửa” cho nghề cha truyền con nối này, trong đó có ông Nguyễn Minh Hồng, người con trai của ông Nguyễn Minh Nhựt ở lò rèn “Út Nhựt”,…

Để bảo tồn, giữ vững và phát triển làng nghề lò rèn truyền thống Nhị Thành, thời gian qua chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân cũng đã vào cuộc, hỗ trợ, kiến nghị với các cơ quan chức năng trong tỉnh để tìm ra giải pháp nhằm duy trì, xây dựng và phát triển nghề rèn.

Qua đó, các lò rèn được hỗ trợ vốn nhằm đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp, bắt kịp xu thế công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Bên cạnh đó, các hộ lò rèn tham gia vào các tổ hợp tác,… Đây là điều kiện để các hộ còn theo nghề ở địa phương tiếp tục bám trụ với nghề. Trong tương lai, chính quyền địa phương cũng có kế hoạch hỗ trợ vốn vay, tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá và xúc tiến thương mại, công nhận và xây dựng làng nghề mang thương hiệu,… để sản phẩm rèn Nhị Thành có điều kiện tiếp cận thị trường trong cả nước.

Trong bối cảnh hối hả của nhịp sống mới, đâu đó ở những vùng quê nông thôn ở xã Nhị Thành vẫn còn vang tiếng đe, đập sắt, mài, tiện của nghề thợ rèn thủ công truyền thống. Công việc có phần vất vả, nhưng may mắn thay vẫn còn người đeo bám, quyết giữ gìn nghề truyền thống của ông cha để lại.Chính họ đã góp phần gìn giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa của văn minh nông nghiệp - nghề góp sức cho bao thế hệ nhà nông khai hoang, mở đất, đem lại sự phồn thịnh cho cuộc sống hôm nay./.

Hùng Thanh

Chia sẻ bài viết
  • Họ hàng, người thân, bạn bè, người quen của chúng tôi có ý kiến như sau :
    Con người hiện đại ngày nay đã đúc và rèn được cây cột sắt không bị rỉ sét qua 1500 năm như trụ sắt bên Ấn Độ sau :
    http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/bi-an-tru-sat-khong-gi-2060659.html
    đâu mà đòi đóng cửa hết các lò rèn truyền thống vốn chỉ con người trực tiếp làm thì mới có khả năng làm được những trụ sắt không bị rỉ sét như trụ sắt bên Ấn Độ nói trên nhỉ ?? Giả sử có nắm vững được bí mật về vật liệu làm nên trụ sắt thì cũng phải tự tay con người đúc và rèn nên những vật dụng lao động như dao, rựa, búa, kéo ….. không bị rỉ sét được đã cho nó thành thạo và hoàn hảo đi đã giống như trụ sắt Ấn Độ nói trên thì mới làm công cụ lao động nói trên bằng máy móc công nghệ cao cho nó được hoàn hảo giống cái trụ sắt nói trên được chứ nhỉ ???
    Bạn có ý kiến gì ???
    Xin cảm ơn !!!
    Wow !!!!!

    Thu Hà - Cách đây 9 năm


Tìm hiểu mbti và cách áp dụng giám sát an toàn là gì
Liên kết hữu ích