Dù có một số ý kiến về việc có nên duy trì ngày Tết Cổ truyền của dân tộc hay không? nhưng đón xuân, vui tết luôn là một nét văn hóa đặc biệt trong phong tục truyền thống của người Việt Nam, đã đồng hành cùng nền văn hiến nghìn năm của đất nước.
Sau một năm lao động, sản xuất, mưu sinh, vào dịp đầu năm mới, lúc đất trời giao hòa, cảnh vật hữu tình, người người bừng lên sức sống mới, hy vọng mới, đó cũng là lúc nhà nhà háo hức đón mừng xuân mới. Theo phong tục truyền thống, Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của người Việt Nam, dịp này, có nhiều phong tục mang ý nghĩa sâu sắc được người Việt thực hiện nhằm cầu mong một năm mới vạn sự như ý. Để khởi đầu cho năm mới an lành, hạnh phúc, sau khi đón Tết Dương lịch, người Việt đều dọn dẹp, sắp xếp, vệ sinh, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp, tươm tất để chuẩn bị đón nhiều điều mới mẻ, may mắn, an khang.
Trong lễ cúng đưa ông Táo về trời (vào ngày 23 tháng Chạp), các gia đình dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ với mong muốn ông Táo sẽ báo cáo những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng và được an toàn trong năm mới. Điều này còn mang ý nghĩa an toàn trong phòng cháy, chữa cháy, hướng con người làm nhiều việc tốt, việc thiện trong năm mới. Phong tục thăm viếng, làm sạch đẹp mồ mả của ông bà, tổ tiên và người thân vào dịp trước tết thể hiện lòng tưởng nhớ, hiếu thảo, kính trọng đối với tổ tiên và những người thân đã mất. Cùng với phong tục thăm mộ tổ tiên, tục chưng mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên, làm cỗ cúng gia tiên, cúng đất đai đã tạo nên nét đẹp truyền thống của văn hóa ngày tết, đó còn là cơ sở của tình yêu quê hương, đất nước.
Trong những ngày tết, người Việt rất quý không khí đoàn tụ gia đình, các thành viên dù có đi đâu, làm gì cũng đều trở về sum họp bên nhau, ăn bữa cơm đoàn viên, cùng thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi ông bà, cha mẹ, đi lễ đầu năm cầu may mắn, chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới,... đều là những phong tục truyền thống đẹp của người Việt trong ngày Tết Cổ truyền, cần giữ gìn.
Ngoài ra, người Việt Nam còn có phong tục gói bánh chưng, bánh tét, chưng hoa, hái lộc, xông đất trong ngày tết được duy trì nghìn năm, gắn với ước mơ về một năm mới bình an, hạnh phúc, may mắn, an khang, thịnh vượng. Cho dù ở quê cha, đất tổ, hay sinh sống xa quê hương, Tổ quốc, người Việt vẫn lưu giữ những nét đẹp nhiều đời này.
Trong guồng quay của xã hội công nghiệp, của nếp sống đô thị, một số phong tục, tập quán ít nhiều bị ảnh hưởng cho phù hợp cuộc sống nhưng Tết Cổ truyền vẫn luôn luôn là điểm son trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, vẫn trường tồn theo mạch chảy thời gian. Để truyền thống văn hóa này tiếp tục được giữ gìn, phát huy, mọi người cần lưu giữ những giá trị tốt đẹp, giáo dục con em tự hào về văn hóa cha ông đã để lại, kiên định tình yêu quê hương, đất nước. Trong những ngày tết cần tránh xa tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế bia, rượu; thực hiện nếp sống văn minh, đón những ngày Tết Cổ truyền của dân tộc thật đầm ấm, nghĩa tình, vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm./.
Kim Quy