Tỷ lệ ly hôn tăng
Theo Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thụ lý 6.259 vụ án về hôn nhân, gia đình, trong đó, đã giải quyết 5.599 vụ, tạm đình chỉ 21 vụ. So cùng kỳ năm 2016, số vụ về hôn nhân, gia đình TAND 2 cấp thụ lý tăng 359 vụ, giải quyết tăng 248 vụ. Điều đáng nói là tình trạng ly hôn trong giới trẻ ngày càng gia tăng, trung bình độ tuổi ly hôn từ 18 đến dưới 30 tuổi luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số các vụ ly hôn. Các địa phương có số vụ ly hôn cao: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và TP.Tân An. Tại 5 địa phương này, từ đầu năm đến nay, thụ lý 3.560 vụ ly hôn, chiếm gần 57% tổng số vụ ly hôn trong toàn tỉnh.
Gia đình là môi trường nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, xây dựng nên văn hóa truyền thống, nền tảng của hôn nhân
Tại Đức Hòa, địa phương có số vụ ly hôn cao nhất tỉnh, từ đầu năm đến nay, thụ lý 1.289 vụ, chiếm hơn 20% tổng số vụ ly hôn thụ lý trong toàn tỉnh. Theo phân tích của một thẩm phán trực tiếp thụ lý, giải quyết nhiều vụ án ly hôn tại huyện Đức Hòa, hiện nay, độ tuổi kết hôn phổ biến của các cặp vợ chồng rất trẻ, từ 18 đến 22 tuổi. Kết hôn trẻ, tìm hiểu không kỹ, bất đồng quan điểm trong cuộc sống dễ dẫn đến ly hôn. Đặc biệt, khoảng 3 năm trở lại đây, số vụ ly hôn của các đương sự có độ tuổi từ 18-30 tuổi cũng tăng theo từng năm. Qua phân tích số liệu các vụ xét xử ly hôn tại huyện, có đến 573 trường hợp vợ chồng ly hôn có độ tuổi từ 18 đến dưới 30. Còn tại huyện Tân Trụ, mặc dù số vụ ly hôn không cao với 172 vụ nhưng số vụ ly hôn ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30 lại chiếm đến 107 vụ.
Vì đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, song qua các vụ án ly hôn xét xử có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu vẫn là ngoại tình, yêu sớm, cưới vội, các cặp vợ chồng trẻ chưa trang bị kiến thức, kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân.
Theo Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh - thẩm phán Trần Văn Quán, qua quá trình xét xử các vụ án hôn nhân nhiều năm qua, nguyên nhân sâu xa vẫn là giới trẻ hiện nay kết hôn quá sớm, quan niệm về tình yêu, hôn nhân rất thoáng, thích thì kết hôn, không thích nữa thì ra tòa chia tay. Sâu xa hơn, thẩm phán Trần Văn Quán cho rằng, trong số các vụ án ly hôn, nguyên nhân phần lớn vẫn là ngoại tình, vợ chồng không chung thủy, từ đó nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, cách sống rồi dẫn đến ly hôn. Trong tổng số 5.559 vụ án ly hôn đã giải quyết, có đến 3.377 vụ tòa án sơ thẩm công nhận thỏa thuận ly hôn của các đương sự, không cần thông qua công tác xét xử. Trong khi đó, số vụ án ly hôn tòa cấp sơ thẩm hòa giải đoàn tụ thành chỉ có 33 trường hợp. Từ đó cho thấy, các cặp vợ chồng ngày càng có quan niệm thoáng về hôn nhân, gia đình. Theo nghiên cứu mới nhất được chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đưa ra, nguyên nhân ngoại tình dẫn đến ly hôn đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao với 1/3 trong tổng số vụ ly hôn hiện nay. Trường hợp của anh T., ngụ huyện Tân Thạnh, là một ví dụ điển hình. Vợ chồng anh có 2 người con, con lớn đang học lớp 12 và con nhỏ học lớp 9. Cuộc sống đang hạnh phúc thì anh phát hiện vợ lừa dối gia đình, ngoại tình. Từ đó, cuộc sống gia đình đầy rẫy mâu thuẫn, không thể giải quyết. Và đến tháng 12/2017, vợ chồng anh chính thức đệ đơn ly hôn lên TAND huyện Tân Thạnh để giải quyết.
Một nguyên nhân dễ dẫn đến ly hôn hiện nay là các cặp vợ chồng bước vào đời sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình nên dễ phát sinh mâu thuẫn sau một thời gian chung sống. Trong khi đó, nhận thức về cuộc sống gia đình, ý nghĩa của hôn nhân và tình yêu còn hời hợt khiến họ không đủ bản lĩnh vượt qua các mâu thuẫn, dẫn đến ly hôn. Trong vụ ly hôn mới đây nhất giữa chị L.T.G và anh L.T.A, tại huyện Thủ Thừa, có thể thấy được, khi bước vào cuộc sống hôn nhân, cả chị G. và anh A. đều chưa hiểu rõ đối phương. Theo chị G., hôn nhân giữa chị và anh A. bắt đầu từ mai mối, không có nhiều thời gian tìm hiểu trước hôn nhân. Thời gian đầu, gia đình chị còn hạnh phúc nhưng được một thời gian, anh A. không tu chí làm ăn, thường xuyên tổ chức ăn nhậu, đá gà, cá độ bóng đá. Mặc dù, chị và gia đình hết lòng khuyên can nhưng anh vẫn không thay đổi. Lầm lũi trong những tháng ngày sống “có chồng cũng như không”, tình cảm vợ chồng phai nhạt, chị quyết định đệ đơn ly hôn để giải thoát cho chính mình.
Thẩm phán Trần Văn Quán cho rằng, ly hôn tăng trong những năm gần đây một phần là hệ quả của đời sống hiện đại. Quan hệ mẫu mực của vợ chồng, nếp sống trong gia đình truyền thống đang bị ảnh hưởng bởi những mặt trái của sự phát triển KT-XH. Số án ly hôn gia tăng cho thấy thực trạng đáng báo động về quan hệ vợ chồng, tổ ấm hạnh phúc hiện nay. Còn theo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, một phần do cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức việc nghiên cứu lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; nhiều gia đình chưa quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên. Do đó, để hạn chế tình trạng ly hôn, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách của từng thành viên trong gia đình, nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình, nhất là trong giới trẻ.
Song, để giải quyết được gốc rễ của vấn đề, trên hết, mỗi cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí của chính bản thân mình trong việc xây đắp gia đình hạnh phúc, biết yêu thương, lắng nghe, chia sẻ, sống có trách nhiệm. Trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, mỗi cặp vợ chồng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững./.
Để hạn chế tình trạng ly hôn, mỗi cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí của chính bản thân mình trong việc xây đắp gia đình hạnh phúc, biết yêu thương, lắng nghe, chia sẻ, sống có trách nhiệm, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. |
Kiên Định