Đại diện xã Tuyên Thạnh, Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Thị Thanh Hà nhận bằng khen của Thủ tướng tặng tập thể có thành tích qua 3 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Phạm Văn Rạnh thừa ủy quyền trao tặng
Vì người dân vùng biên giới
Năm 1982, ở độ tuổi đôi mươi, cô gái Tống Thị Hồng rời mảnh đất đô thị Tân An đến lập nghiệp tại vùng biên giới Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa. Gần 40 năm trôi qua, tài sản gia đình bà có được không chỉ là những cánh đồng lúa rộng lớn, được cơ giới hóa, cho năng suất cao mà còn là sự tin yêu, quý mến của người dân vùng biên giới.
Giờ đây, ở độ tuổi 60, hàng ngày trên chiếc xe đạp cũ, bà vẫn đi về để làm những công việc thiện nguyện. “Các con khôn lớn, lập gia đình và ở xa. Ông xã cũng về Tân An để phụ con gái chăm lo cháu ngoại, còn mình tôi ở lại nơi này. Các con khuyên nghỉ ngơi để an yên tuổi già nhưng tôi chưa đành lòng. Bao năm gắn bó với công việc, tôi yêu mảnh đất nắng bụi, mưa lầy, đặc biệt là những người dân chân chất nơi đây nên còn gắn bó đến tận ngày nay” - bà chia sẻ.
Một trong những căn nhà tình thương ở xã biên giới Thuận Bình do bà Tống Thị Hồng vận động xây tặng
Bà kể, năm đó, hưởng ứng chương trình lấp kín Đồng Tháp Mười, vợ chồng bà dắt nhau đến vùng đất xa xôi này lập nghiệp. Bao năm qua, nhiều người thân, bạn bè rời bỏ vùng đất hoang hóa này vì không chịu nổi khó nhọc nhưng bà vẫn kiên trì bám trụ. Bà nói: “Ở đây, ngày xưa chưa có đường sá thuận lợi. Hai đứa con sinh ra nhưng vì điều kiện khó khăn nên vợ chồng tôi gửi về cho ông bà ngoại chăm sóc. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các chính sách đúng đắn về phát triển nông nghiệp, cuộc sống người dân dần được cải thiện. Gia đình tôi từ trồng khoai mì không hiệu quả chuyển sang trồng lúa,… Sau này áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và được chính quyền đầu tư đê bao khép kín, cải tạo đất,... nên sản xuất hiệu quả hơn, cuộc sống đỡ vất vả”.
Trong hàng loạt những việc bà làm để hỗ trợ người dân biên giới, chúng tôi ấn tượng với chuyện bà giúp người dân Trà Cú kéo điện thắp sáng. Cũng từ câu chuyện này, người dân trong ấp bắt đầu tín nhiệm bà. Đó là vào năm 2008, khi một số địa phương khác đã có điện thắp sáng nhưng khu vực ấp Trà Cú (khi đó có khoảng 36 hộ, nay tăng lên 49 hộ) vẫn chưa có điện sử dụng. Vì điều kiện đi lại khó khăn, số hộ dân ít nên việc kéo điện rất nan giải. Bà đứng ra viết đơn, đại diện cho các hộ dân kiến nghị điện lực hạ thế điện. Rồi chính bà lại bỏ công vận động các hộ dân đồng tình. Thế là, điện về thắp sáng cả một vùng quê nghèo. Nhà nhà, người người đều vui mừng khôn xiết! Có điện, bà không ngại khó khăn, tiếp tục đi “xin” tài trợ để làm cầu, đường, tặng quà, nhà tình thương cho người nghèo,… Và cứ như thế, xuân này tiếp nối xuân sau, người Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học, Bí thư Chi bộ ấp Trà Cú vẫn tận tình giúp đỡ không biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.
Lắng nghe dân
Chúng tôi trở lại ấp Bắc Chan 2, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, khu vực được hạ thế điện từ những tháng đầu năm 2019, người dân nơi đây nhắc nhiều đến Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Thị Thanh Hà cùng lãnh đạo chính quyền địa phương - những người đôn đốc, theo sát công trình này cho đến khi hoàn thành.
Đảng ủy xã Tuyên Thạnh lắng nghe, giải đáp và hướng dẫn các thủ tục cho người dân
Ông Võ Văn Ri, ngụ ấp Bắc Chan 2, vui vẻ : “Những năm trước, gia đình tôi kéo điện tạm từ ấp Bình Tây về sử dụng, còn những hộ lân cận thì kéo điện vượt sông Bắc Chan. Mỗi khi trời mưa gió hoặc mùa lũ đến, chúng tôi nơm nớp lo sợ vì đường điện không bảo đảm an toàn. Các phương tiện di chuyển trên sông Bắc Chan đều lo lắng khi đường dây điện kéo chằng chịt,... Lúc Đảng ủy, chính quyền địa phương tổ chức họp dân định kỳ tại khu vực này, chúng tôi phản ánh và được ghi nhận. Sau đó, chị Hà cùng các đồng chí lãnh đạo phối hợp ngành điện khảo sát, tìm hiểu,… Từ nhu cầu thực tế của người dân, ngành điện hạ thế điện,… Chúng tôi yên tâm sử dụng”.
Nhờ họp dân, nghe dân phản ánh, thông tin tình hình đá gà, cờ bạc,…trước đây xảy ra tại ấp Gò Ớt mà chính quyền địa phương có biện pháp kịp thời xử lý. Hiện nay, tình hình an ninh, trật tự khu vực được giữ vững; tệ nạn xã hội giảm đáng kể.
Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Thị Thanh Hà thông tin, tất cả đều nhờ vào mô hình học tập và làm theo gương Bác Nâng cao chất lượng họp dân và Nghe dân nói. Mô hình này được thực hiện từ năm 2016. Theo đó, mỗi quí một lần, Đảng ủy xã chọn một chuyên đề cụ thể để triển khai, có mời đại diện Ban Dân vận Thị ủy Kiến Tường và các cán bộ có chuyên môn đến dự để giải đáp những thắc mắc của người dân. Tại mỗi cuộc họp, ngoài triển khai những chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước; thông tin về tình hình KT-XH địa phương, lãnh đạo địa phương còn lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị của nhân dân để có hướng giải quyết kịp thời. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền, lãnh đạo xã ghi nhận và báo cáo về trên,… Từ đó làm cho mối quan hệ của chính quyền với nhân dân ngày càng gần nhau hơn.
Tại các cuộc họp, đa phần người dân ý kiến liên quan đến sản xuất nông nghiệp, đầu ra nông sản; tiến độ thi công các công trình cơ bản; nước sạch, rác thải, vệ sinh môi trường; những khó khăn trong thực hiện cánh đồng lớn, quản lý trạm bơm; hạ thế điện;… Bà Hà đúc kết: “Mỗi lần tổ chức họp dân, địa phương luôn chuẩn bị chu đáo nội dung, huy động sự tham gia của hầu hết cán bộ, các đoàn thể,… Để thu hút người dân tham gia, địa phương còn tổ chức chương trình hái hoa dân chủ, tạo sự vui nhộn,… Qua đó không chỉ phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với những hoạt động lãnh đạo địa phương, giúp chúng tôi làm tốt hơn công việc mà Đảng, Nhà nước giao phó”.
Thực hiện Chỉ thị 05, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo: Xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện” gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; cải cách thủ tục hành chính, thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, việc xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới; thị trấn, phường văn minh đô thị. Đó là Công an tỉnh với cuộc vận động Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ; Huyện ủy Đức Hòa với mô hình Trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân; Huyện ủy Cần Giuộc với mô hình Hỗ trợ hồ sơ cho người khuyết tật; Đức Huệ với mô hình Thực hành tiết kiệm, chăm lo gia đình chính sách, khó khăn;... |
Nhân lên nhiều điều tốt đẹp
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 và các quy định của Đảng về nêu gương đã đạt nhiều kết quả, tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Từ đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Các địa phương chú trọng lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc, tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến với các mô hình hay, cách làm sáng tạo, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, đưa việc học tập và làm theo gương Bác lan tỏa sâu, rộng trong đời sống xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả, một vài cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05 theo chuyên đề hàng năm còn chung chung; chưa thật sự chủ động trong lựa chọn nội dung trọng tâm để tập trung thực hiện. Công tác tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo gương Bác chưa được quan tâm đúng mức; công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức chưa thật sự được chú trọng nên chưa phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế;…
Học tập và làm theo gương Bác, cán bộ, công chức trong tỉnh niềm nở, tiếp đón nhân dân đến giải quyết các thủ tục hành chính
Ông yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tiếp tục lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về nêu gương với các phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành. Tập trung lãnh đạo, giải quyết hiệu quả, dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà dư luận nhân dân quan tâm, nhất là khắc phục nghiêm túc những tồn tại, hạn chế của tập thể, cá nhân sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị 05 ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống;...
Giai đoạn 2016-2019, có 17 tập thể và 19 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc qua 3 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có 2 cá nhân, 1 tập thể nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. |
Thanh Nga