Tiếng Việt | English

05/07/2016 - 14:58

Mộc Hóa: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật

Những năm qua, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nhất là tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tổ chức hội thi hằng năm.

Người dân xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa trong cuộc tiếp xúc cử tri

Theo số liệu của Phòng Tư pháp huyện Mộc Hóa, đến nay, huyện có 33 tổ hòa giải, tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý với 254 thành viên, 8 câu lạc bộ (CLB) pháp luật với 70 thành viên và có 29 tủ sách pháp luật.

Trưởng phòng Tư pháp huyện - Nguyễn Văn Sơn cho biết: "Hình thức tuyên truyền miệng ở các chi, tổ hội rất phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả cao. Các CLB pháp luật được duy trì giúp tuyên truyền luật đến với người dân”.

Công tác tuyên truyền, PBGDPL còn được triển khai dưới các hình thức: Hội thi có 2.000 lượt người tham dự với 1.182 bài thi viết tìm hiểu Hiến pháp 2013, hái hoa dân chủ với 1.182 lượt người tham dự. Đài, trạm truyền thanh phát 140 chuyên mục, 114 bài, 452 tin, phát 3.500 tờ bướm, mở lớp tập huấn và hội nghị chuyên đề Ngày pháp luật với gần 900 cuộc.

Ngoài ra, các CLB pháp luật trên địa bàn huyện tuyên truyền 13 cuộc, có 1.180 người nghe. Tòa án nhân dân huyện xét xử 25 phiên tòa lưu động, trợ giúp pháp lý 12 cuộc cho đối tượng chính sách. Các tủ sách pháp luật tại 7 xã và 13 cơ quan, ban, ngành hoạt động hiệu quả, thu hút khá đông người đọc hiểu biết thêm các quy định của pháp luật.

Công tác PBGDPL trong trường học cũng được quan tâm, cụ thể bằng việc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên trong trường học. Thông qua sinh hoạt Tiết học pháp luật, các báo cáo viên triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành, các quy định pháp luật liên quan đến giáo dục, kỹ năng sống cho học sinh.

Đặc biệt, huyện chú trọng tuyên truyền luật đến người dân vùng sâu, biên giới với các nội dung về tôn giáo, chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đất đai, tài nguyên khoáng sản, phòng, chống ma túy, buôn lậu,... Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội cũng như ý nghĩa và sự cần thiết của việc PBGDPL trong xã hội, từng bước cụ thể hóa quyền dân chủ của nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết