Tiếng Việt | English

25/05/2019 - 03:50

Mỗi năm có 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do thuốc lá thụ động

Trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen suyễn hoặc làm bệnh hen trầm trọng hơn, tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

Trẻ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen, tăng nguy cơ mắc viêm phổi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí tới năm giờ đồng hồ kể cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Những tác hại, hậu quả mà hút thuốc lá thụ động (người khác hít phải khói thuốc của người hút) gây ra cho tất cả mọi người, đặc biệt là với trẻ em.

Theo thông tin từ Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.

Khói thuốc có 69 chất gây ung thư

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi.

Nói về tác hại của thuốc lá gây ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng, 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê tại các bệnh viện ung bướu, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Khói thuốc lá làm ô nhiễm không khí, đặc biệt trong môi trường khép kín tại các khu vực trong nhà. Với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 là chất gây ung thư, sự ô nhiễm các chất độc hại trong khói thuốc là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, các bệnh hô hấp mãn tính và giảm chức năng phổi cho những người sống và làm việc tại các nơi này, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, hút thuốc lá thụ động gây ra nhiều tác hại đối với hệ hô hấp của trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với các chất độc trong khói thuốc từ khi còn ở trong bụng mẹ sẽ bị chậm phát triển chức năng phổi.

Ngoài ra, trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen suyễn hoặc làm bệnh hen trầm trọng hơn, tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

Bên cạnh đó, trẻ em hít phải khói thuốc có thể phải chịu những hậu quả sức khỏe ở tuổi trưởng thành như tăng nguy cơ mắc bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do việc bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên.

Theo Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.

Nhiều nơi thực hiện nghiêm quy định về cấm hút thuốc lá. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích, việc hút thuốc gây ra nhiều tác hại, không chỉ với người hút mà còn với những người xung quanh. Đó là các bệnh về phổi như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hằng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Chiến dịch này gồm nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, khuyến khích nói không với thuốc lá.

Chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 2019 là "Thuốc lá và các bệnh về phổi." Các Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay gồm: Các bệnh ung thư đến các bệnh hô hấp mãn tính; Vai trò quan trọng của lá phổi khỏe mạnh đối với sức khỏe con người; Kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá…

Từ ngày 25/5 đến ngày 31/5, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá với nhiều hoạt động kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Đó là các hoạt động như: Phổ biến và chỉ đạo thực thi nghiêm quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá; Thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện Luật; Thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình Phòng, chống tác hại của thuốc lá của bộ, ngành, đoàn thể…/.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết