Tiếng Việt | English

20/09/2020 - 16:11

Mỹ liệu có đang “thách thức” thế giới khi quyết trừng phạt Iran tới cùng?

Theo các nhà phân tích, với bước đi này nhằm vào Iran, Mỹ đang tự cô lập mình hơn nữa và có nguy cơ làm leo thang những căng thẳng quốc tế.

Rạng sáng 20/9 theo giờ Việt Nam, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương tuyên bố, các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran sẽ được khôi phục hoàn toàn, đồng thời cảnh báo trừng phạt bất kỳ nước nào vi phạm.

Theo các nhà phân tích, với bước đi này, Mỹ đang tự cô lập mình hơn nữa và có nguy cơ làm leo thang những căng thẳng quốc tế.


Tổng thống Mỹ Trump (bìa trái) và Tổng thống Iran

Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Mỹ hoan nghênh việc áp đặt trở lại gần như toàn bộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran, vốn đã được dỡ bỏ trước đó trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, những biện pháp trừng phạt này một lần nữa có hiệu lực vào 20h ngày 19/9 theo giờ Mỹ (tức 7h sáng nay theo giờ Việt Nam).

Đặc biệt, Chính quyền Tổng thống Donald Trump còn cảnh báo thiết lập một hệ thống trừng phạt thứ cấp để trừng phạt bất kỳ quốc gia hay thực thể nào vi phạm. Dự kiến các bước đi cụ thể sẽ được nhà lãnh đạo Mỹ công bố trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 22/9 tới, tức 6 tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống nước này.

Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh: “Iran vẫn là nước tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới và chúng tôi không tin rằng họ có thể tiếp tục buôn bán vũ khí chiến tranh mà không bị trừng phạt. Chúng tôi sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran để lệnh cấm vận vũ khí với nước này sẽ kéo dài vô thời hạn. Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng điều này là tốt cho tất cả các dân tộc, các quốc gia.”

Tuy nhiên, bước đi này của Mỹ lại không nhận được sự ủng hộ của gần như toàn thể cộng đồng quốc tế, không chỉ Nga, Trung Quốc, mà cả các đồng minh châu Âu.  Trong một bức thư gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Pháp, Anh và Đức tuyên bố, mọi quyết định hay biện pháp được đưa ra nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran đều không có bất kỳ hiệu lực pháp lý nào.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thì cho rằng, tự bản thân nước Mỹ cũng biết rằng đây là “một tuyên bố dối trá” và cần bị lên án.

Quyết định của Mỹ được cho là kết quả của một chuỗi những nỗ lực bất thành tại Liên Hợp Quốc từ đề xuất gia hạn lệnh cấm vận vũ khí tới việc tái áp đặt trừng phạt chống Iran. Điểm gây tranh cãi nhất chính là việc Mỹ lấy danh nghĩa là một bên ký kết thỏa thuận hạt nhân để buộc Liên Hợp Quốc phải hành động, dù nước này đã rút khỏi văn kiện từ năm 2018.

Tuy nhiên, một nghịch lý là dù phản đối lập trường của Mỹ, song cộng đồng quốc tế lại không có bất kỳ bước đi cụ thể nào để ngăn cản. Mọi cơ chế đối thoại hiện nay dường như đều vô nghĩa. Bởi trong khi chính quyền Mỹ hành động như thể các lệnh trừng phạt quốc tế đã được khôi phục, thì các cường quốc khác cũng lại làm như thể chưa có gì xảy ra. Một nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc hôm qua nhận định, mọi chuyện sẽ đi theo hai chiều hướng. Một là sẽ không bất kỳ điều gì xảy ra, giống như khi bạn bóp cò và không có viên đạn nào được bắn đi. Hai là, nếu Mỹ thực sự kích hoạt hệ thống trừng phạt thứ cấp, thì mọi chuyện lại khác và căng thẳng có thể leo thang hơn nữa. Dù bất kỳ kịch bản nào xảy ra, thì rõ ràng hành động đơn phương của Mỹ đã càng làm nước này trở nên xa cách với chính các đồng minh của mình./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết