Mỹ tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo bảng xếp hạng 10 quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới trong năm 2023 do Tổ chức phân tích quốc phòng Global Firepower công bố, Ấn Độ tiếp tục đứng vị trí thứ tư sau Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2023 của Global Firepower đánh giá 145 quốc gia, xem xét hơn 60 yếu tố riêng lẻ như quân số, trang thiết bị quân sự, sự ổn định tài chính, vị trí địa lý và các nguồn lực sẵn có. Những yếu tố này góp phần tạo nên điểm PowerIndex (chỉ số sức mạnh), với điểm càng thấp thì khả năng quân sự càng mạnh.
Hãy tìm hiểu lý do tại sao những quốc gia này lại có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng sức mạnh quân sự. Và họ chi bao nhiêu cho quân sự theo số liệu do Ngân hàng Thế giới cung cấp:
Đứng đầu trong bảng xếp hạng là Mỹ với mức chi tiêu quân sự lên tới 877 tỷ USD, điểm PowerIndex là 0,0712. Để duy trì được vị trí thống trị này, Mỹ phải vượt trội trong các mục vật chất, tài chính và tài nguyên quan trọng.
Mỹ cũng dẫn đầu toàn cầu về tiến bộ công nghệ, xuất sắc trong lĩnh vực y tế, hàng không vũ trụ và máy tính/viễn thông. Quốc gia này sở hữu 13.300 máy bay, trong đó có 983 chiếc là trực thăng tấn công và quân số hiện lên tới 1.832.000 người.
Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng là Nga, với mức chi tiêu quân sự đạt 864 tỷ USD, điểm PowerIndex là 0,0714. Nga ra đời sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, hiện duy trì lực lượng quân sự hùng mạnh với tổng quân số 1.330.900 người.
Nga có công nghệ tiên tiến, lực lượng quân sự đáng kể và được huấn luyện bài bản cũng như tầm ảnh hưởng chiến lược toàn cầu.
Xe tăng của quân đội Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đứng vị trí thứ ba là Trung Quốc với mức chi tiêu quân sự đạt 292 tỷ USD, điểm PowerIndex là 0,0722. Trung Quốc tự hào là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ và có nguồn nhân lực đáng kể với tổng quân số vào khoảng 3.135.000 người.
Trung Quốc đã và đang chú trọng nỗ lực vào việc tăng cường năng lực cho hải quân, không quân và tác chiến trên bộ, chủ yếu thông qua các nguồn lực trong nước. Trung Quốc có 3.166 máy bay và 4.950 xe tăng trong số các nguồn tài nguyên đáng kể của mình.
Đứng vị trí thứ tư là Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới đồng nghĩa với quân số đông nhất với 5.132.000 người - với mức chi tiêu quân sự là 81,4 tỷ USD, điểm PowerIndex là 0,1025.
Những năm gần đây, Ấn Độ đã và đang tập trung vào số hóa và hiện đại hóa, cùng tổ hợp công nghiệp-quân sự nội địa hiệu quả khiến nước này trở thành một trong 5 quân đội mạnh nhất thế giới. Ấn Độ sở hữu tổng cộng 2.210 máy bay, 4.614 xe tăng và 295 khí tài hải quân.
Đứng thứ năm trong bảng xếp hạng là Vương quốc Anh với mức chi tiêu quân sự đạt 68,5 tỷ USD, điểm PowerIndex là 0,1435, tổng quân số 231.000 người.
Quốc gia châu Âu có được vị trí này là nhờ sức mạnh về nhân lực, không quân, hiệu quả hậu cần và nguồn lực tài chính.
Bên cạnh đó, phi đội chở dầu hùng mạnh và các cảng sẵn có cũng chính là những lợi thế đáng kể để Vương quốc Anh được xếp vào vị trí này trong bảng xếp hạng.
Đứng thứ sáu là Hàn Quốc với mức chi tiêu quân sự đạt 46,4 tỷ USD, điểm PowerIndex là 0,1505, tổng quân số 1.130.000 người.
Hàn Quốc sở hữu sức mạnh về phi đội máy bay, xe chiến đấu bọc thép và trực thăng. Với hơn 133.000 phương tiện và 739 máy bay trực thăng, trong đó có một phi đội gồm 112 máy bay trực thăng tấn công đáng gờm.
Sức mạnh quân sự của Hàn Quốc là minh chứng cho cam kết liên tục của nước này về an ninh, được thúc đẩy bởi những căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ với Triều Tiên.
Đứng thứ bảy trong bảng xếp hạng của Global Firepower là Pakistan với mức chi tiêu quân sự đạt 17,9 tỷ USD, điểm PowerIndex là 0,1694.
Pakistan sở hữu một trong những lực lượng quân đội hùng hậu nhất thế giới với tổng quân số 1.704.000 người và có sức mạnh ấn tượng trong các lĩnh vực như nhân lực, không quân, lục quân và hải quân.
Việc nhấn mạnh vào khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như khí đốt tự nhiên và than đá cũng như vị trí chiến lược của nước này dọc theo các biên giới chung đã nâng cao hơn nữa vị thế của Pakistan trên trường thế giới.
Đứng thứ tám là Nhật Bản với mức chi tiêu quân sự đạt 46 tỷ USD, điểm PowerIndex là 0,1711. Nhật Bản vượt trội với các cảng lớn trong top 10 cường quốc quân sự, thể hiện lợi thế chiến lược trên biển.
Với 4 tàu sân bay trực thăng, Nhật Bản đảm bảo vị trí thứ hai trong hạng mục này, chỉ sau Mỹ. Hạm đội này được trang bị công nghệ tiên tiến cho các vai trò chuyên biệt trên chiến trường.
Nhật Bản duy trì một lực lượng quân sự có năng lực và toàn diện với tổng quân số là 309.000 người.
Đứng vị trí thứ chín là Pháp với mức chi tiêu quân sự đạt 53,6 tỷ USD, điểm PowerIndex là 0,1848, tổng quân số vào khoảng 415.000 người.
Pháp có những lợi thế về nhân lực, sức mạnh không quân, năng lực hải quân, hiệu quả hậu cần và nguồn tài chính.
Pháp thể hiện năng lực và tính linh hoạt trong chiến tranh hiện đại với phi đội gồm 438 máy bay trực thăng, trong đó có 69 máy bay trực thăng tấn công.
Đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng 10 quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới là Italy với mức chi tiêu quân sự là 33,5 tỷ USD, điểm PowerIndex là 0,1973, tổng quân số vào khoảng 297.000 người.
Italy nổi trội về phi đội chở dầu trên không, phi đội trực thăng, phi đội máy bay tấn công ấn tượng cùng các tàu sân bay./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/my-nga-trung-quoc-tiep-tuc-dung-dau-bang-xep-hang-suc-manh-quan-su-2023-post909669.vnp