Tiếng Việt | English

05/09/2018 - 19:11

Mỹ và Canada khó nhượng bộ lẫn nhau về Hiệp định NAFTA mới

Với lập trường cứng rắn của Mỹ và Canada, khả năng đạt được NAFTA mới với sự tham gia của cả Mỹ, Mexico và Canada hiện khá mong manh.

Ngày 05/9 (theo giờ Mỹ), các quan chức Mỹ và Canada sẽ nối lại đàm phán trong nỗ lực giải quyết những bất đồng chính giữa hai nước liên quan tới việc sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên, với lập trường cứng rắn của Ottawa và Washington, khả năng đạt được NAFTA mới với sự tham gia của cả Mỹ, Mexico và Canada hiện khá mong manh.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Chrystia Freeland sẽ dẫn đầu phái đoàn Canada tham gia vào cuộc đàm phán với phía Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đứng đầu, sau khi đã tiến hành một loạt các cuộc đàm phán trực tiếp trong tuần trước mà không thể gạt bỏ những bất đông căn bản giữa hai bên.

Phát biểu với các phóng viên tại tỉnh British Columbia hôm qua (04/9), Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh, Canada sẽ không chấp nhận nhượng bộ về những đòi hỏi mấu chốt của Ottawa trong các cuộc đàm phán diễn ra ở Thủ đô Washington trong tuần này nhằm sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và khẳng định Hiệp định sửa đổi phải bao gồm một cơ chế giải quyết bất đồng.

Theo Thủ tướng Trudeau, trong bất kỳ thỏa thuận ba bên nào luôn luôn có những cơ hội và thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán song phương. Canada đang tiến hành các cuộc đàm phán với Mexico và hài lòng về sự tiến triển đã đạt được, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô.

Các nhà đàm phán Canada trở lại Washington lần này để tham gia vào các cuộc đàm phán mang tính xây dựng và phối hợp với Mỹ. Canada kỳ vọng đạt được một thỏa thuận mang lại lợi ích cho cả ba nước:

“Như tôi đã nói, chúng ta cần chứng kiến một thỏa thuận cùng thắng cho cả ba nước, nhưng Canada sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận nào trừ khi nó mang lại lợi ích cho người lao động, tầng lớp trung lưu và người dân Canada nói chung. Canada đã tuyên bố ngay từ đầu rằng chúng tôi cần một cơ chế giải quyết bất đồng như Chương 19 và chúng tôi sẽ giữ vững lập trường về điều này”.

Thủ tướng Trudeau đồng thời nhấn mạnh những biện pháp bảo hộ hiện hành vốn không cho phép các công ty truyền thông Mỹ mua lại các ngành công nghiệp văn hóa của Canada như đài truyền hình và tòa báo phải được giữ nguyên.

Trước đó, ngày 1/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa gạt Canada ra khỏi NAFTA mới, sau khi các cuộc đàm phán giữa Ottawa và Washington kết thúc ngày 31/8 mà không đạt được thỏa thuận nào. Tổng thống Trump cũng cảnh báo Quốc hội Mỹ không nên can thiệp vào những cuộc đàm phán với Canada, nếu không ông sẽ chấm dứt hoàn toàn NAFTA.

Theo các quy định hiện hành, để Quốc hội Mỹ phê chuẩn bất kỳ Hiệp định Thương mại nào với nước ngoài, Nhà Trắng phải công khai văn kiện 60 ngày trước khi ký kết, điều đó đồng nghĩa với việc các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Canada phải hoàn tất trong tháng 9/2018. Do cả hai bên đều không chấp nhận nhượng bộ, khả năng Ottawa và Washington đạt được thỏa thuận song phương nhằm mở đường cho việc đạt được NAFTA mới mà cả Mỹ, Mexico và Canada đều có thể chấp nhận được là khá mong manh./.

Huy Hoàng/VOV.VN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết


các chương trình định cư canada