Tiếng Việt | English

21/02/2020 - 15:32

Năm 2030, Việt Nam phấn đấu 'đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới' về chế biến nông lâm thủy sản

Sáng 21/02, Thủ tướng Chính Phủ - Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”. Tại điểm cầu tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chủ trì.

Long An được đánh giá là địa phương có rất nhiều cơ sở doanh nghiệp liên kết tiêu thụ và chế biến

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5 - 7%/năm; kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng 8 - 10%/năm (trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 41,3 tỉ USD). Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế bảo đảm chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. 

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030 đưa công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Qua đó, sẽ đưa tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7 - 8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh phát biểu tại điểm cầu Long An

Tại tỉnh Long An, thời gian qua, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp  phục vụ tái cơ cơ cấu ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện toàn tỉnh có khoảng 208 doanh nghiệp, cơ sở chế biến, xay xát, trong đó, chế biến lúa gạo chiếm phần lớn với 115 doanh nghiệp, cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh kiến nghị, hiện nay, các cơ chế chính sách về hồ sơ, thủ tục còn nhiều phức tạp, doanh nghiệp khó tiếp cận; đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá, triển khai thực hiện các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các chủ thể trong chuỗi giá trị nông sản tiếp cận được với các chính sách.  

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Long An trong thời gian qua. Ông cũng cho biết, Long An là địa phương thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi hơn 5.000ha đất lúa sang những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao; là địa phương có rất nhiều cơ sở doanh nghiệp liên kết tiêu thụ và chế biến. Thời gian tới, tỉnh cần phát huy lợi thế của mình để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn. Chính vì vậy, các địa phương cần lắng nghe, tiếp thu để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiêp, hợp tác xã, nông dân liên kết phát triển. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; cần có chính sách giảm giá thành sản phẩm và chi phí vận chuyển; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng đến quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thị trường”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết