Tiếng Việt | English

02/10/2020 - 10:43

Nâng cao chất lượng hoạt động chăm lo cho lao động nữ

Công tác nữ công là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của tổ chức Công đoàn (CĐ). Những năm qua, vai trò của công tác Nữ công ngày càng được khẳng định trong việc tuyên truyền, vận động nữ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 243.795 đoàn viên CĐ/256.128 CNVCLĐ ở các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp có tổ chức CĐ, trong đó có 141.493 nữ (chiếm 55%). Những năm qua, lực lượng nữ CNVCLĐ trong tỉnh không ngừng phát huy vai trò, vị trí, năng lực của mình trên tất cả các lĩnh vực công tác, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh - Lê Thị Thu Cúc cho biết: “Nhận thức rõ vai trò của phong trào nữ CNVCLĐ và hoạt động Nữ công, thời gian qua, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tập trung chỉ đạo CĐ các cấp triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình công tác nữ công, tạo điều kiện để nữ CNVCLĐ an tâm lao động, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của mình”.

Tổ chức hội thao cho nữ công nhân, viên chức, lao động tham gia

Những năm qua, Ban Nữ công CĐ các cấp vận động nữ CNVCLĐ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động, trọng tâm là phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, vừa lao động, sản xuất, học tập, công tác, vừa tích cực cập nhật kiến thức mới, tích lũy kinh nghiệm hay, tiếp cận khoa học và công nghệ tiên tiến, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, sản xuất. Ban Nữ công quần chúng các CĐ cơ sở chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ CNLĐ và phản ánh, đề xuất Ban Chấp hành CĐ cơ sở kiến nghị chủ sử dụng lao động quan tâm hơn đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, CNLĐ nữ, chăm lo và cải thiện điều kiện làm việc  cho lao động nữ ở Cty như: Nhà tắm, nhà vệ sinh, bếp ăn tập thể, nhà trẻ, nhất là ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có đông CNLĐ nữ; tham gia xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, góp phần thuyết phục chủ doanh nghiệp ký kết các điều khoản có lợi hơn cho CNLĐ nữ…

Ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn pháp luật cho nữ công nhân, lao động

Trưởng ban Tuyên giáo, Nữ công LĐLĐ tỉnh - Ngô Thị Bích Huệ cho biết: “Dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp CĐ, công tác tuyên truyền trong nữ CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua được đẩy mạnh. Ban Nữ công CĐ các cấp đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức CĐ liên quan đến nữ CNVCLĐ như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, kiến thức dân số-sức khỏe sinh sản, tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, các hội thi, hội thảo, hội thao.... tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ tham gia đầy đủ”.

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, CN Công ty (Cty) TNHH Giầy ChingLuh Việt Nam (Khu Công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức), chia sẻ: “Ban Nữ công CĐ cơ sở rất quan tâm đến quyền lợi của CNLĐ, nhất là lao động nữ. Ban Nữ công thường xuyên đề xuất, tham mưu Ban Chấp hành CĐ cơ sở tổ chức văn nghệ, thể thao, hội thi, gặp mặt cán bộ nữ, gặp gỡ giao lưu gia đình nữ CNLĐ tiêu biểu để trao đổi các kỹ năng về giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi con bằng sữa mẹ và khám chuyên khoa cho nữ CNLĐ…”.

Để nâng cao chất lượng hoạt động chăm lo cho nữ CNVCLĐ, LĐLĐ tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 12b/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”; lựa chọn các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chế độ, chính sách đối với lao động nữ, chú trọng các nội dung của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, vấn đề hôn nhân, gia đình, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho CNLĐ… Nâng cao vai trò của tổ chức CĐ trong công tác tham gia quản lý và phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với nữ CNVCLĐ, có những kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chế độ, chính sách lao động nữ. Các CĐ cấp trên cơ sở chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác nữ công ở cơ sở; kịp thời kiến nghị các cấp ủy Đảng, chuyên môn đồng cấp quan tâm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết