Tiếng Việt | English

09/11/2018 - 15:27

Nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học

Việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh (HS) không chỉ tạo nền tảng thực thi pháp luật hiệu quả trong tương lai mà còn góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Hội thi tiểu phẩm hưởng ứng về an toàn giao thông giúp học sinh trang bị kiến thức pháp luật

Hội thi tiểu phẩm hưởng ứng về an toàn giao thông giúp học sinh trang bị kiến thức pháp luật

Những mô hình điểm

Tại Long An, thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường”, Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiều hoạt động chuyên đề được duy trì từ năm 2017 đến nay. Theo đó, ngành chọn 3 chuyên đề làm điểm gắn với tuyên truyền, PBGDPL trong nhà trường. Đó là các câu lạc bộ PL, tích hợp kiến thức PL thông qua bộ môn Giáo dục công dân và xây dựng tủ sách PL. Tương ứng với 3 chuyên đề nói trên, ngành chọn 3 trường THPT làm điểm, gồm: THPT Kiến Tường, THPT Cần Đước và THPT Tân Thạnh.

Mỗi năm học, Trường THPT Kiến Tường, thị xã Kiến Tường, tổ chức một phiên tòa giả định trong giờ sinh hoạt dưới cờ cho HS toàn trường dự. Phiên tòa này có điểm đặc biệt là từ "chủ tọa" đến "bị cáo" đều là HS của trường. Kịch bản phiên tòa được Đoàn trường phối hợp các cơ quan, đơn vị: Công an, tư pháp,... xây dựng đúng thủ tục pháp lý, trình tự cũng như không sai sót về mặt chuyên môn. Ý tưởng hình thành nên mô hình bắt đầu từ việc HS của trường thường xảy ra xô xát, đánh nhau. Với cách làm này, HS được giáo dục về ý thức, kiến thức PL, góp phần giảm tình trạng bạo lực học đường, vi phạm pháp PL trong HS,...

Em Nguyễn Phương Loan - HS Trường THPT Kiến Tường, chia sẻ: “Phiên tòa giả định giúp em hiểu rõ hơn những kiến thức PL. Những tình huống được xây dựng trong kịch bản rất gần gũi với cuộc sống đời thường của HS và thường xảy ra trong trường học nên chúng em tiếp thu khá nhanh”.

Theo Đoàn trường THPT Kiến Tường, đây là mô hình hiệu quả, cung cấp những kiến thức bổ ích về PL cho HS. Tuy nhiên, chương trình THPT với nội dung học khá nặng, trong khi để tổ chức được một phiên tòa giả định lại cần nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, số lượng phiên tòa được tổ chức tại trường còn khiêm tốn.

Phiên tòa giả định Trường THPT Kiến Tường

Phiên tòa giả định Trường THPT Kiến Tường

Tại Trường THPT Tân Thạnh, song song với nhiệm vụ dạy học, Ban Giám hiệu trường chú ý tuyên truyền, PBGDPL cho HS thông qua tủ sách PL. Đó là những nội dung liên quan an toàn giao thông, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên,... giúp HS trang bị những kiến thức khi bước vào đời.

Những năm qua, ý thức về tầm quan trọng của công tác PBGDPL cho HS, ngành giáo dục đưa nội dung này vào chương trình chính khóa ở cả 3 cấp học. Ngoài lồng ghép vào một số bộ môn khác, các nội dung liên quan đến PL được thể hiện rõ nhất ở 2 môn đạo đức và giáo dục công dân. Riêng các trường tiểu học có triển khai mô hình “Trường học mới”, HS còn được tiếp cận các vấn đề PL thông qua giáo dục đạo đức, lối sống.

Đối với HS bậc THPT, các kiến thức PL quan trọng, gần gũi với cuộc sống được đưa vào chương trình bộ môn Giáo dục công dân lớp 12. Trong đó, nội dung cơ bản giúp các em hiểu và nhận thức rõ về PL và đời sống, PL với sự phát triển của đất nước, công dân với các quyền tự do cơ bản,...

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, ngành thường xuyên thông tin kịp thời các văn bản PL mới ban hành cho các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục thông qua hội nghị, khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên truy cập vào trang web: vanban.chinhphu.vn, longan.gov.vn, longan.edu.vn,... để tìm hiểu văn bản PL.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện sinh hoạt “Ngày PL” cho cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ quan, đơn vị; tại các trường học tổ chức “Tiết PL” cho HS. Qua đó, giúp giáo viên, HS nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành PL. Ngành khai thác hiệu quả tủ sách PL, ngăn sách PL trong thư viện các đơn vị, trường học cũng như các nguồn tài liệu phục vụ chuyên môn và nhu cầu tìm hiểu PL của cán bộ, công chức, viên chức, HS, sinh viên.

Ngoài ra, tại một số trường học, thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn, tiết học PL, lồng ghép sinh hoạt PL dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp,... triển khai một số vấn đề trọng tâm liên quan đến: Luật Giao thông đường bộ, những quy định chung về việc cấm hút thuốc lá; phòng, chống ma túy trong học đường; sức khỏe vị thành niên/thanh niên;... Một số nơi còn phối hợp tổ chức những hội thi, tiểu phẩm để cụ thể hóa tuyên truyền PL.

Tại TP.Tân An, Bí thư Thành đoàn - Lê Văn Nhâm thông tin, hàng năm, Thành đoàn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hội thi tiểu phẩm hưởng ứng về an toàn giao thông. Tham gia hội thi, ngoài những đơn vị xã, phường, còn có các Đoàn trường trên địa bàn. Những lần như vậy, HS khi tham gia tiểu phẩm phải tìm hiểu về những quy định của Luật Giao thông đường bộ, văn bản quy phạm PL trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông,...

Lồng ghép sinh hoạt dưới cờ để tuyên truyền pháp luật là cách làm của một số Trường THPT trên địa bàn tỉnh

Lồng ghép sinh hoạt dưới cờ để tuyên truyền pháp luật là cách làm của một số Trường THPT trên địa bàn tỉnh

Phó Trưởng phòng Hành chính - Quản trị, Sở Giáo dục và Đào tạo - Đặng Thanh Tuyền cho biết, tuyên truyền, PBGDPL trong nhà trường là việc làm cần thiết và khá quan trọng. Bởi nó không chỉ giúp HS hiểu rõ hơn về những quy định của PL mà còn định hướng, giáo dục, phát triển nhân cách HS, sống và làm việc theo Hiến pháp và PL. Tuy nhiên, ông Tuyền cho rằng, nhiều năm nay, không có bất kỳ chế độ, chính sách nào dành cho người trực tiếp làm công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các trường học. Họ chỉ làm việc trên tinh thần tự nguyện, thuyết phục của ngành; khối lượng công việc dạy học ngày càng nhiều trong khi số lượng văn bản luật ban hành cũng không ít, lại khó, khô khan nên công tác này còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Tuyền nhấn mạnh, thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các nhà trường, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành; sự nhìn nhận đúng đắn về lợi ích của việc PBGDPL trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, HS, sinh viên, từ đó có thêm nhiều hình thức tuyên truyền mới, đa dạng, hiệu quả hơn./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích