Tiếng Việt | English

16/05/2024 - 15:24

Nâng cao hiệu quả công tác đầu tư các dự án giao thông

Từ nguồn vốn đầu tư, nhiều dự án (DA) giao thông quan trọng được hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh Long An cũng như từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các DA giao thông trọng điểm, có tính chất liên kết vùng.

Lãnh đạo tỉnh, ngành Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng các dự án, công trình

Tuân thủ chặt chẽ các quy định trong đầu tư công

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Long An, giai đoạn 2021-2025, Sở được giao làm chủ đầu tư 58 danh mục DA, với tổng số vốn hơn 11.000 tỉ đồng. Riêng giai đoạn từ năm 2021-2024, số vốn được giao để xây dựng kết cấu hạ tầng là hơn 8.100 tỉ đồng với 39 danh mục DA. Trong đó, năm 2021, Sở được giao làm chủ đầu tư 34 danh mục DA, gồm 5 danh mục DA thuộc công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, 6 danh mục DA khởi công mới, 21 danh mục DA chuyển tiếp và 2 DA chuẩn bị đầu tư. Năm 2022, Sở được giao làm chủ đầu tư 26 danh mục DA, gồm 4 danh mục DA thuộc công trình trọng điểm, 8 danh mục DA khởi công mới, 14 danh mục DA chuyển tiếp. Năm 2023, Sở làm chủ đầu tư 38 danh mục DA, gồm 1 DA quan trọng quốc gia, 3 danh mục DA thuộc công trình trọng điểm, 2 danh mục DA khởi công mới, 17 danh mục DA chuyển tiếp, 14 DA chuẩn bị đầu tư. Năm 2024, Sở làm chủ đầu tư 26 danh mục DA.

Các dự án giao thông được triển khai đều bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các nghị quyết của HĐND tỉnh

Trong quá trình triển khai, thực hiện các DA, Sở chủ động thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý chuẩn bị DA theo thẩm quyền, bảo đảm tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các DA trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, đủ điều kiện bố trí vốn đầu tư DA hàng năm. Giai đoạn 2021-2023, các DA cơ bản đạt tiến độ thi công. Tuy nhiên, một số DA còn chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật. Ngành GTVT không có DA chậm quyết toán, bảo đảm sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Theo Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn, qua triển khai, thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh về giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm giúp Sở quản lý chặt chẽ toàn bộ quá trình đầu tư công như chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, DA sử dụng vốn đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt DA đầu tư công; thực hiện kế hoạch, theo dõi, đánh giá, kiểm tra. Qua đó, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, kéo dài, tập trung vốn trả nợ đọng, nợ tạm ứng,... Đến nay, ngành GTVT không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.

Phát huy hiệu quả các dự án đầu tư

Theo đánh giá của Sở GTVT, từ nguồn vốn đầu tư công, nhiều DA giao thông được hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh cũng như từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các DA giao thông trọng điểm, có tính chất liên kết vùng.

Từ nguồn vốn đầu tư, nhiều dự án giao thông quan trọng được hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh

Đường Vành đai TP.Tân An và cầu Vàm Cỏ Tây đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, phát triển KT-XH của TP.Tân An và các huyện lân cận như Thủ Thừa, Châu Thành, Tân Trụ; giảm bớt áp lực giao thông trên tuyến Quốc lộ 1, đường ranh TP.Tân An, Quốc lộ 62 đoạn qua TP.Tân An và trục đường Hùng Vương. Hay công trình Đường tỉnh (ĐT) 824 hoàn thành giúp mở rộng đồng bộ về quy mô mặt cắt ngang toàn tuyến, bảo đảm kết nối giao thông thuận lợi từ ĐT825, 830 đến TP.HCM, tỉnh Tây Ninh, giảm bớt áp lực giao thông trên tuyến ĐT hiện hữu và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên trên tuyến vào các giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, các DA như đường Tân Tập - Long Hậu - Quốc lộ 50 - Cảng Quốc tế Long An; dự án Nâng cấp, mở rộng ĐT830 đã tạo thành trục giao thông kết nối giữa tỉnh Long An - TP.HCM và giữa các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện thuộc vùng kinh tế trọng điểm, mở ra tiềm năng phát triển mới, nhất là trong vận tải đa phương thức và phát triển logistics, thu hút đầu tư.

Thông tin từ Sở GTVT, hiện nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của tỉnh rất lớn nhưng khả năng ngân sách có hạn, nhiều DA ngành GTVT làm chủ đầu tư đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng nguồn vốn ngân sách chưa thể cân đối dẫn đến phải điều chỉnh lộ trình thực hiện để tập trung vốn đầu tư các DA trọng điểm, bức xúc khác. Trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các DA, một số địa phương còn gặp khó khăn; tình trạng giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng tăng, khan hiếm, thiếu nguồn nguyên, vật liệu, đất đắp nền cũng ảnh hưởng đến phần lớn tiến độ thực hiện các DA đầu tư công ngành GTVT.

Đơn cử như trong năm 2023-2024, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hàng loạt DA giao thông trọng điểm đồng loạt triển khai với nhu cầu khối lượng cát san lấp tăng đột biến; Nhà nước siết chặt quản lý công tác quản lý, khai thác khoáng sản nên nguồn cung cấp cát khan hiếm, giá cả tăng cao, nhiều nhà thầu không tìm được nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng đến tiến độ nhiều công trình trọng điểm đang triển khai ở tỉnh như đường Vành đai 3 TP.HCM, ĐT830E, 823D,... Bên cạnh đó, nguồn vốn phân bổ cho công tác duy tu, sửa chữa cầu đường bộ, đường thủy nội địa hàng năm thấp, chỉ đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu cũng khiến công tác này gặp khó khăn.

Từ thực trạng đó, thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý thực hiện các DA, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình, qua đó phát huy hiệu quả các DA đầu tư. Ngoài ra, Sở GTVT cũng kiến nghị tỉnh xem xét nâng mức phân bổ kế hoạch vốn sự nghiệp giao thông hàng năm để có đủ nguồn vốn duy tu, sửa chữa hệ thống cầu, đường; kiến nghị Trung ương sớm ban hành quy định, hướng dẫn về sử dụng chi phí chi thường xuyên để chi đầu tư, cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc DA sửa chữa, bảo dưỡng, cung cấp sản phẩm dịch vụ công thuộc dự toán mua sắm theo hạn mức chỉ định thầu như DA sử dụng vốn đầu tư công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích