Ngành chức năng kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của doanh nghiệp
Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm
Quá trình phát triển công nghiệp đặt ra những thách thức, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường khi phát sinh các nguồn chất thải, khí thải, nước thải. Để bảo đảm các doanh nghiệp tuân thủ theo hồ sơ môi trường được duyệt, hàng năm, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Long An đều xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh, kiểm tra và kiểm soát ô nhiễm tại các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có phát sinh nguồn thải lớn.
Đồng thời, ngành TN&MT tỉnh tích cực phối hợp Tổng cục Môi trường, Cục Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) và các cơ quan có liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các nhà máy thứ cấp, các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động bên ngoài khu, cụm công nghiệp.
“Bên cạnh đó, ngành TN&MT tỉnh chủ động phối hợp các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp hoạt động gây ô nhiễm môi trường theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và theo phản ánh của người dân và cử tri; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là vi phạm trong xả nước thải, khí thải” - Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT - Huỳnh Phước Hậu cho biết.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2022 đã tiến hành thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại 20 đơn vị; xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp, số tiền gần 994 triệu đồng. Năm 2023, đã thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại 12 đơn vị; xử lý vi phạm hành chính 9 trường hợp với số tiền hơn 1,6 tỉ đồng.
Để theo dõi chất lượng môi trường, hiện toàn tỉnh có 48 trạm quan trắc tự động cơ sở đã kết nối và truyền dữ liệu về trạm Trung tâm của Sở TN&MT. Dữ liệu quan trắc tự động, liên tục tại các trạm cơ sở được truyền về trạm Trung tâm định kỳ 5phút/lần để theo dõi, giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước tại các sông chính trên địa bàn tỉnh.
Việc xây dựng hố ga giám sát nước thải đặt ngoài tường rào các nhà máy xử lý nước thải tập trung tại 16 khu công nghiệp đang hoạt động đã thực hiện xong. Việc xây dựng hố ga giám sát nước thải đặt ngoài tường rào của doanh nghiệp thứ cấp trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước thải tập trung của khu công nghiệp cũng cơ bản hoàn thành.
Kiểm soát thường xuyên chất lượng môi trường nước, không khí
Công tác quan trắc chất lượng môi trường nước mặt được tiến hành định kỳ tại các sông: Bảo Định, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cần Giuộc, kênh Thầy Cai và các kênh, rạch chính. Còn nước ngầm được quan trắc với tần suất 2 đợt/năm tại 41 vị trí với các tầng khác nhau. Quan trắc chất lượng môi trường không khí được thực hiện tại khu, cụm công nghiệp (37 vị trí), khu đô thị, khu dân cư (18 vị trí), giao thông (8 vị trí), bãi rác (3 vị trí) và môi trường nền (4 vị trí).
Qua quan trắc chất lượng môi trường kịp thời phát hiện và cung cấp thông tin về môi trường một cách định kỳ, liên tục, giúp phát hiện và đánh giá được diễn biến chất lượng môi trường, những tác động đến con người và tự nhiên. Từ đó, xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường và có các kế hoạch, giải pháp để nâng cao công tác quản lý và giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề ô nhiễm môi trường.
Để bảo vệ môi trường, công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn cũng đặc biệt được quan tâm. Vấn đề xử lý chất thải rắn được cử tri trong tỉnh quan tâm và đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh đặt ra để chất vấn tại nhiều kỳ họp. Theo Giám đốc Sở TN&MT - Võ Minh Thành, hiện tại, chất thải rắn phát sinh trên địa bàn các huyện: Đức Hòa, Cần Đước và Cần Giuộc được thu gom, vận chuyển đến nhà máy xử lý chất thải của TP.HCM để xử lý. Còn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP.Tân An và các huyện: Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Trụ, Châu Thành, Thạnh Hóa được thu gom, vận chuyển đến Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa xử lý bằng phương án đốt. Với các huyện còn lại, địa phương tự thu gom và xử lý.
Chất lượng nguồn nước ở các tuyến sông, kênh chính trên địa bàn tỉnh được quan trắc môi trường theo định kỳ
Đánh giá về thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường trong năm 2022 và 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm cho rằng, ngành TN&MT tỉnh tập trung bám sát theo chương trình, kế hoạch công tác của Bộ TN&MT, các nghị quyết, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Công tác đưa vào vận hành các trạm quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh được tập trung; thường xuyên kiểm tra, giám sát các khu, cụm công nghiệp, nhất là các đơn vị có nguồn thải lớn, kiên quyết không để xảy ra “điểm nóng”, “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, nhất là tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, khu dân cư. Tình hình khiếu nại, tố cáo về môi trường giảm và không có khiếu nại vượt cấp.
Đồng thời, quá trình phối hợp trong thực thi công vụ giữa các cấp, các ngành được tăng cường và duy trì thường xuyên; việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động được phát huy. Từ đó, đã góp phần cho kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường đạt chất lượng, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ chương trình, kế hoạch đã đề ra, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh./.
Lê Đức