Sở Công Thương đang xúc tiến các thủ tục triển khai hỗ trợ thực hiện đề án khuyến công (Trong ảnh: Cục Công nghiệp địa phương khảo sát tại Công ty Cổ phần Thương mại Sản xuất Sáng Việt, đơn vị được thụ hưởng từ Chương trình Khuyến công Quốc gia năm 2022)
Giữ vị trí quan trọng
Năm 2022, dù còn nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,46%. 3 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 3,82%. Trong đó, khu vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ tăng 5,34%, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh được phê duyệt, đến năm 2020, có 62 CCN với tổng diện tích 3.106,5ha và CCN Hải Sơn - Đức Hòa Đông, diện tích 261,2ha (nằm ngoài quy hoạch đang lập thủ tục chuyển thành khu công nghiệp). Đến nay, có 52 CCN, tổng diện tích 2.655,1ha đã có chủ trương đầu tư/quyết định thành lập CCN. Có 23 CCN hoạt động, thu hút 688 dự án (DA) với tổng diện tích đất đã cho thuê 812ha. Tỷ lệ lấp đầy của các CCN hoạt động là 87,56%.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 DA nhà máy điện hoàn thành và phát điện thương mại (tổng công suất 440,1MWp; diện tích 494,8ha), 1 DA đang triển khai đầu tư xây dựng. Hiện còn 10 DA đã được Bộ Công Thương thẩm định nhưng chưa được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực (tổng công suất 1.180MWp). Riêng DA Nhà máy Nhiệt điện LNG Long An I, Long An II (huyện Cần Giuộc) đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tổng công suất 3.000MW, diện tích 85ha), đang lập các thủ tục đầu tư DA theo quy định. Đối với DA Điện mặt trời áp mái, đến nay, ngành Điện đã nghiệm thu đóng điện và ký kết hợp đồng mua bán điện được 2.598 khách hàng với tổng công suất 515,15MWp.
Long An hiện nay cũng là địa bàn sôi động về phát triển thương mại và có nhiều DN đầu tư hạ tầng thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Bên cạnh đó, các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại cũng được duy trì tốt. Thông qua đó, DN nhỏ và vừa được hỗ trợ kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm, quảng bá tìm đầu ra sản phẩm.
Nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp
Sở Công Thương tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Theo Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh, kết quả PCI năm 2022 cải thiện khá tốt. Đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh và được DN ghi nhận, đánh giá tích cực. Để tiếp tục nâng cao PCI và hiệu quả hỗ trợ DN, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ của ngành. Đặc biệt, Sở chú trọng giải pháp cải thiện chỉ số thành phần gia nhập thị trường và nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN tiếp cận các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Năm 2023, Sở Công Thương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện PCI. Đặc biệt, Sở tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về hội nhập quốc tế của tỉnh, thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn về các FTA mà Việt Nam đã ký kết đến DN, nhằm giúp DN tận dụng thời cơ kết nối giao thương; tranh thủ những lợi ích từ các FTA mang lại trong quá trình hội nhập quốc tế; tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế. Sở cũng chủ động thông tin, hỗ trợ DN tham gia các chương trình tập huấn, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, các FTA và hoạt động kết nối giao thương, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; thông tin thị trường và khai thác, tận dụng các ưu đãi về thuế để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam có tham gia FTA.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, Sở tiếp tục tăng cường thúc đẩy liên kết giữa các DN, các địa phương, liên kết ngành nhằm phát triển các vùng nguyên liệu trong nước để chủ động hơn các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Đồng thời, Sở xác lập quan hệ giao thương và quan hệ đối tác chiến lược nhằm phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu về lâu dài; tiếp tục quan tâm thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở chú trọng tạo điều kiện tốt nhất giúp DN, chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng các CCN đã có chủ trương phê duyệt sớm đi vào hoạt động.
Công tác hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cũng được Sở duy trì thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Năm 2022, Sở đã hỗ trợ DN tham gia hội chợ, kết nối giao thương để giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương đến người tiêu dùng, DN trên cả nước và đối tác nước ngoài. Kết quả, đã có nhiều DN trong tỉnh tham gia và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tại các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị trong cả nước; đồng thời, kết nối được với đối tác nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Năm 2023, các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, OCOP của tỉnh trên môi trường số sẽ được chú trọng hơn. Qua đó, nâng cao nhận thức của DN về tầm quan trọng của chuyển đổi số và thương mại điện tử; DN đã tiếp cận được nhiều giải pháp kinh doanh trên môi trường số, có định hướng đúng đắn và kế hoạch phát triển phù hợp xu hướng chung của thị trường.
Hoạt động hỗ trợ DN xúc tiến thương mại trên môi trường số cũng được tập trung thông qua giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, OCOP của tỉnh qua nhóm Zalo, Facebook, trên Sàn thương mại điện tử của tỉnh, fanpage Sản phẩm Long An của Sở. Thông qua đó, DN tham gia phần mềm truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Nhiều hàng hóa của tỉnh được bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, có 63.244 tổ chức, cá nhân bán hàng trên sàn Postmart và Vỏ Sò, với 7.653 sản phẩm được đăng ký bán trên sàn. Hiện có 478 sản phẩm của 180 gian hàng được trưng bày trên Sàn thương mại điện tử tỉnh.
Hiện nay, Sở Công Thương xúc tiến các thủ tục triển khai hỗ trợ thực hiện đề án khuyến công đúng mục đích, đối tượng thụ hưởng, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn. Qua đó, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến để mở rộng sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên, vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của tỉnh.
Các hoạt động kêu gọi, đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại cũng được thực hiện. Hàng năm, Sở đều tiến hành rà soát các địa điểm và nhu cầu đầu tư của địa phương về hạ tầng thương mại để giới thiệu đến các nhà đầu tư cũng như cung cấp thông tin đến các sở, ngành và địa phương nhu cầu cần đầu tư của DN; kết hợp khảo sát thực địa tại huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc,…; kêu gọi đầu tư và thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia. Các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics, từng bước giảm chi phí logistics để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, từ đó tạo động lực cho DN gia nhập thị trường. Hiện nay, theo phương án phát triển Trung tâm Logistics tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, đã và đang kêu gọi, đẩy mạnh đầu tư 10 DA lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 3 DA đã bước đầu đi vào hoạt động.
Các hoạt động triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư vào CCN; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng nhà nước của Sở cũng được thực hiện nhằm rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường cho DN trên địa bàn tỉnh. Kỳ vọng với nhiều giải pháp nêu trên, Sở Công Thương sẽ góp phần cải thiện PCI và môi trường đầu tư của tỉnh, góp phần tích cực vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh./.
Mai Hương