Tiếng Việt | English

22/07/2024 - 11:03

Nâng cao PGI để phát triển nền kinh tế xanh

Năm 2023, tỉnh Long An có bước tiến quan trọng trong bảng xếp hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Kết quả này khẳng định mục tiêu, định hướng đúng đắn trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với phát triển kinh tế của địa phương.

Giữ vững thứ hạng

PGI được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố lần đầu tiên vào năm 2022. Năm đầu tiên, Long An xếp thứ 28 cả nước với 15,4 điểm.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Minh Thành, từ kết quả đã đạt trong năm 2022, để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao PGI, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2232/KH-UBND, ngày 03/8/2023. Theo đó, các sở, ngành, địa phương triển khai, thực hiện nhiều giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần của PGI thông qua đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả quản lý về lĩnh vực môi trường.

Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về BVMT, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Hiện nay, các cơ quan quản lý cấp tỉnh và địa phương có sự quan tâm, kịp thời lồng ghép, đưa vào danh mục nhiệm vụ hàng năm của ngành, của địa phương để làm cơ sở triển khai, thực hiện.

Một số khu nhà xưởng xây sẵn tại Khu công nghiệp Long Hậu được lắp đặt sẵn hệ thống điện mặt trời áp mái - nguồn năng lượng xanh để cung cấp điện năng cho hoạt động sản xuất và chiếu sáng

Với những nỗ lực trên, theo công bố từ VCCI, PGI năm 2023 của Long An xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố cả nước với 23,07 điểm (tăng 16 bậc so với năm 2022), đứng vị trí thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, cả 4 chỉ số thành phần, gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong BVMT; chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong BVMT, đều tăng từ 0,25 đến tăng 3,93 điểm so với năm 2022. Đối với chỉ số thành phần 4, Long An là 1 trong 3 tỉnh xếp hạng cao nhất cả nước nhờ vào việc triển khai về ưu đãi thuế, các dịch vụ tư vấn và dịch vụ kỹ thuật nhằm khuyến khích sự tham gia của các DN xanh, khuyến khích các DN xanh mở rộng quy mô và khuyến khích các DN chưa quan tâm thực hiện chuyển đổi xanh.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út, kết quả PGI năm 2023 của tỉnh tăng vượt bậc có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền tỉnh thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng DN. Điều này cũng thể hiện sự đánh giá công tâm, khách quan, khẳng định sự tin tưởng, hài lòng ngày càng cao của cộng đồng DN và nhân dân. Đây là nỗ lực lớn của tỉnh trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và BVMT bền vững, phát triển nền kinh tế xanh.

Sản xuất đi đôi bảo vệ môi trường

Long An là một trong những tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thu hút đầu tư mạnh mẽ, môi trường đầu tư của tỉnh được sự quan tâm từ các tổ chức quốc tế, đối tác nước ngoài. Đặc biệt, công tác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất luôn được DN triển khai, thực hiện theo hướng BVMT. Trong đó có nhiều khu công nghiệp (KCN) đã quy hoạch và phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu nhận thức xử lý chất thải hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế mức phát thải ra môi trường

Theo Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh Công ty Cổ phần Long Hậu (đơn vị đầu tư KCN Long Hậu-LHC, huyện Cần Giuộc) - Bùi Lê Anh Hiếu, thời gian qua, LHC quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng các dự án (DA) theo hướng xanh và bền vững. LHC đầu tư 2 nhà máy cấp nước sạch công suất 11.000m3/ngày đêm. KCN khai thác và xử lý nước cấp đạt Quy chuẩn Quy định QCVN 01-1:2018/BYT, chủ động nguồn nước sạch phục vụ hoạt động sản xuất và sinh hoạt trong KCN, bảo đảm khai thác và cung cấp nước cho DN trong hạn mức an toàn cho môi trường. Hệ thống xử lý nước thải tại KCN sử dụng công nghệ AAO tiên tiến, bảo đảm 100% nước thải được xử lý và đầu ra đạt tiêu chuẩn cột A - QCVN 40:2011/BTNMT. Nước sau đó được tận dụng để vệ sinh và tưới cây.

Đặc biệt, tại LHC, một số khu nhà xưởng xây sẵn được lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái - nguồn năng lượng xanh để cung cấp điện năng cho hoạt động sản xuất và chiếu sáng. Chuỗi cung ứng liên kết nội khu cũng được hình thành, liên kết các DN có khả năng hợp tác sản xuất hướng tới tận dụng phế thải làm nguyên liệu, tối ưu sản xuất để giảm thiểu chi phí và ảnh hưởng đến môi trường.

Với lợi thế nằm ở cửa ngõ của TP.HCM, liền kề khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Long An là nút giao thông quan trọng trong việc giao thương hàng hóa và là điểm đến thu hút đầu tư hấp dẫn của nhiều DN trong nhiều năm qua. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18.326 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 381.653 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh có hơn 2.200 DA đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 300.670 tỉ đồng và hơn 1.300 DA đầu tư nước ngoài với nguồn vốn 11,2 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh khởi công nhiều DA công nghiệp, thương mại có vốn đầu tư lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất, trong đó có Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn - Trần Hoài Nam, Thái Tuấn là một trong những DN dệt may cung cấp sản phẩm và dịch vụ thời trang hàng đầu Việt Nam với định hướng trở thành “thương hiệu quốc tế cung cấp sản phẩm thời trang toàn cầu”. Vì vậy, Tập đoàn không ngừng đầu tư, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, tạo điều kiện thúc đẩy sự tăng trưởng toàn diện của DN.

Trong tháng 5/2024, Tập đoàn Thái Tuấn khởi công DA Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn tại KCN Đức Hòa III - SLICO, huyện Đức Hòa. DA này được xây dựng trên diện tích 36,3ha, với vốn đầu tư khoảng 12.800 tỉ đồng, quy mô sản xuất 36.000 tấn sản phẩm/năm. Trước đó, vào tháng 6/2022, Tập đoàn tổ chức động thổ DA Khu phức hợp công nghệ cao Thái Tuấn tại KCN Đức Hòa III, huyện Đức Hòa với tổng vốn đầu tư 16.000 tỉ đồng. Đây là DA chuỗi sản xuất công nghiệp sợi - dệt - hoàn tất - may mặc - da giày - phụ kiện thời trang. DA này đang ở giai đoạn nước rút để đưa vào hoạt động.

Theo ông Nguyễn Văn Út, theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất của cả nước dựa trên công nghiệp xanh, tự động hóa, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với hàng loạt DA đầu tư có nguồn vốn lớn tại Long An thời gian qua cho thấy môi trường đầu tư tại tỉnh thật sự hấp dẫn, từng bước đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu và tầm cỡ quốc tế.

Nâng cao PGI đúng trọng tâm

Theo ông Võ Minh Thành, thời gian qua, các DN trên địa bàn tỉnh bước đầu nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ứng dụng các giải pháp, công nghệ hiện đại trong việc xử lý chất thải rắn công nghiệp, nước thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế phát thải ra môi trường. Tuy nhiên, ở một vài DN vẫn tồn tại một số hạn chế trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh.

Để góp phần triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao PGI đúng trọng tâm và đạt hiệu quả cao, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp, trong đó sẽ tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ DN sản xuất công nghiệp có áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng năng lượng sạch, có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên toàn tỉnh nhằm giảm lượng rác thải phát sinh phải xử lý; tăng cường quản lý chất lượng không khí, nước mặt thông qua kiểm soát nguồn thải và dữ liệu quan trắc tự động; quản lý chặt chẽ, khai thác và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên; tiến hành điều tra, kiểm kê khí nhà kính, khảo sát hiện trạng công nghệ sản xuất của DN, có lộ trình phù hợp chuyển đổi hoặc thay thế công nghệ lạc hậu phát thải nhiều khí nhà kính sang công nghệ thân thiện với môi trường./.

Cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh

Cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh 

Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết