Tiếng Việt | English

07/09/2023 - 09:40

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Tỉnh Long An đang rà soát, ban hành các văn bản bảo vệ môi trường (BVMT); đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về môi trường, thu hút đầu tư và ưu tiên các dự án (DA) công nghệ cao nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường; phấn đấu năm 2023, tỉnh đứng trong tốp 10 trên bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của cả nước.

Dần hình thành kinh tế tuần hoàn

Tháng 4/2023, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố PGI (Provincial Green Index) trong khuôn khổ Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI - Đậu Anh Tuấn, PGI khuyến khích và thúc đẩy nỗ lực của chính quyền các tỉnh, thành phố hướng đến sự phát triển khu vực tư nhân theo tinh thần Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đứng trước nhiều thay đổi, trong đó có 2 xu hướng lớn.

Thứ nhất, phải thích ứng tốt hơn với điều kiện bất thường, khó đoán định; thứ hai là phải phát triển “xanh” hơn. Với những xu hướng trên, Việt Nam đã định hướng thu hút FDI trong thời gian tới phải “xanh” hơn, có chất lượng hơn, công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Nhà máy kết cấu Thép GB Steel (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) sử dụng công nghệ mới, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Điều này thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về BĐKH và vấn đề môi trường hiện nay.

Tại Hội thảo vùng về phát triển kinh tế gắn với BVMT và giới thiệu PGI tại tỉnh Trà Vinh vào tháng 5/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn chia sẻ, trong lĩnh vực xúc tiến, thu hút và cấp giấy phép đầu tư, Long An luôn quan tâm đến phát triển kinh tế gắn với việc BVMT. Tỉnh thực hiện phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; chọn lọc, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có ý thức BVMT và những DA “xanh”, DA có công nghệ cao, DA phát triển công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Long An hiện là một trong những địa phương thu hút đầu tư trong và ngoài nước khá tốt trong Vùng ĐBSCL cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư đối với các DA có công nghệ cao. Điển hình như Nhà máy Coca-Cola thuộc Tập đoàn Coca-Cola đầu tư tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, huyện Bến Lức.

Với tổng vốn đầu tư trên 3.100 tỉ đồng, Nhà máy Coca-Cola tại Long An là DA ứng dụng các công nghệ thông minh, hướng tới mô hình kinh tế xanh và tuần hoàn. Nhà máy được thiết kế giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm điện, nước, nguyên, vật liệu thông qua việc sử dụng năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh khối thay thế cho nguyên liệu hóa thạch.

DA này được phát triển thuận theo mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh; đồng thời, đóng góp vào quá trình hiện thực hóa các cam kết giảm phát thải ròng về 0 đến năm 2050 của Việt Nam.

Công nhân điều khiển thiết bị tại Nhà máy Kết cấu thép GB Steel (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa). Đây là nhà máy có công nghệ mới giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Tháng 4/2023, Công ty (Cty) Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (Cụm công nghiệp Nhựa Đức Hòa, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) tổ chức khánh thành giai đoạn 1 nhà máy với năng lực sản xuất lên đến 30.000 tấn/năm. Nhà máy đang được vận hành theo tiêu chí “3 không” trong quá trình sản xuất: Không rác thải, không khí thải, không nước thải. Việc áp dụng tiêu chí này không chỉ giúp Cty thúc đẩy việc sản xuất không gây ô nhiễm môi trường mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc tái sử dụng các nguồn năng lượng trong sản xuất.

Công nghệ tái chế mà nhà máy của Cty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân đang áp dụng là “bottle to bottle”, mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. Từ đó, dần hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, giúp giảm thiểu tác hại tới môi trường, hướng đến nền kinh tế xanh và góp phần thúc đẩy cho các doanh nghiệp gia tăng sử dụng nhựa tái sinh trong sản xuất bao bì.

Năm 2022, nhà máy đã tái chế trên 1,3 tỉ chai nhựa. Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các Cty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn xuất khẩu 4.200 tấn sang 12 quốc gia gồm Hoa Kỳ và châu Âu. Theo kế hoạch, giai đoạn 2, nhà máy sẽ nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 4 tỉ chai nước sẽ được tái chế.

Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Kết quả công bố PGI năm 2022 của VCCI, Long An đạt 15,04 điểm, đứng vị trí thứ 28 trên cả nước và thứ 3 khu vực ĐBSCL. Hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch đẩy mạnh triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao PGI năm 2023, phấn đấu năm 2023, tỉnh đứng trong tốp 10 trên bảng xếp hạng PGI cả nước. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ triển khai xây dựng, hoạch định các chính sách, góp phần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, tăng cường thu hút các nhà đầu tư có ý thức BVMT và các DA “xanh”, chất lượng cho tỉnh.

Nhà máy giết mổ tại Tổ hợp chế biến MeatDeli thuộc Tập đoàn Masan tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đồng bộ và theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, công nghiệp của tỉnh. Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư vào các hạng mục, công trình tiêu thoát nước, chống ngập hiệu quả nhằm giảm thiểu tác hại của thiên tai và BĐKH gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN; tăng cường trồng rừng, trồng cây xanh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tỉnh cũng tiếp tục bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu thông qua tăng cường năng lực thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh, thông qua việc kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực hỗ trợ. Các cơ quan chức năng tiếp tục thanh, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiên quyết không cho các cơ sở hoạt động khi chưa hoàn thành công trình BVMT. Đối với DN, tăng cường hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật về môi trường và các giải pháp BVMT bằng nhiều hình thức, khuyến khích xanh hóa mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn, tỉnh sẽ rà soát và ban hành các văn bản pháp luật về BVMT thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để quy định, hướng dẫn chi tiết các nội dung được giao trong Luật BVMT năm 2020 và triển khai để cộng đồng DN dễ thực hiện.

Kỳ vọng, với những giải pháp mà tỉnh đề ra sẽ là động lực to lớn để tỉnh tiếp tục có những cải cách, đổi mới, tiến bộ hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ, vì sự phát triển bền vững của tỉnh, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh./.

PGI gồm 4 chỉ số thành phần:

1. Tăng cường giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

2. Tăng cường đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu.

3. Tăng cường vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường.

4. Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích