Đại biểu dự hội thảo
Hội thảo vùng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu PGI khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm trao đổi, làm rõ những ưu điểm cũng như những hạn chế, nhất là các tiêu chí có liên quan đến chỉ số PGI, làm cơ sở để năm 2023 thực hiện tốt hơn; thúc đẩy KT-XH vùng phát triển toàn diện, bền vững.
Tham dự hội thảo có Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Dự án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - Đậu Anh Tuấn; Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ - Nguyễn Phương Lam; lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL; TP.HCM, Đà Nẵng,...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Huỳnh Văn Sơn phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Huỳnh Văn Sơn có bài phát biểu tham luận. Theo đó, Long An đánh giá rất cao những nỗ lực hợp tác liên tục và bền bỉ giữa VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nhằm tăng cường chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và các địa phương, trong đó có tỉnh Long An.
Qua 18 năm VCCI công bố báo cáo thường niên, thì PCI đã trở thành phương tiện hữu hiệu truyền tải những thông điệp và kỳ vọng của doanh nghiệp đến với các cấp chính quyền; và ngược lại, PCI cũng là biểu tượng của sự cầu thị, lắng nghe và tinh thần hợp tác với doanh nghiệp.
Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên VCCI chính thức triển khai điều tra PGI; theo kết quả công bố PGI 2022, Long An đạt 15,04 điểm; đứng thứ 28/63 tỉnh, thành cả nước và đứng thứ 3 vùng ĐBSCL.
Như vậy, cùng với việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh qua đánh giá của doanh nghiệp, các cấp, các ngành của tỉnh Long An cũng đã có những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành; triển khai các giải pháp, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ xanh, góp phần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện môi trường; gắn với những giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp.
Cùng với thực hiện các quy định từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Long An đã ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Long An với mục tiêu bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, làm giàu vốn tự nhiên.
Trong lĩnh vực xúc tiến, thu hút và cấp phép đầu tư, tỉnh luôn quan tâm tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường; thực hiện phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, chọn lọc, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường và những dự án “xanh”, dự án có công nghệ cao, dự án phát triển công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm ô nhiễm môi trường. Song song đó, Long An cũng đã và đang rà soát đối với các dự án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh để kêu gọi, ưu tiên tiếp nhận dự án có công nghệ xử lý rác hiện đại, gắn với phát điện.
Tỉnh cũng kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Hầu hết các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trước khi đi vào vận hành đều phải thực hiện thủ tục hành chính về môi trường và cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Công tác thanh, kiểm tra về môi trường hàng năm được tăng cường, kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, không để tái diễn các trường hợp vi phạm nhiều lần,…
Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ - Nguyễn Phương Lam nhận xét, Long An là địa phương có quy mô kinh tế đứng đầu vùng ĐBSCL, trong đó, về thu hút đầu tư gần bằng 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cộng lại. Định hướng phát triển công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư đặt ra nhiều thách thức về bảo vệ môi trường cho tỉnh. Mặc dù vậy thì VCCI đánh giá rất cao quan điểm chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh Long An khi cân bằng khá tốt giữa phát triển kinh tế, thu hút đầu tư bên cạnh đó vẫn quan tâm đến cải tạo môi trường xanh, phát triển kinh tế xanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới và trở thành một điểm sáng của các tỉnh, thành phía Nam cả về PCI và PGI trong tương lai.
Ông Huỳnh Văn Sơn chia sẻ, thời gian tới, Long An tiếp tục phát huy những kết quả đạt được từ những giải pháp đã triển khai, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Rà soát và ban hành các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để quy định, hướng dẫn chi tiết các nội dung được giao trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và kịp thời triển khai để cộng đồng doanh nghiệp dễ tiếp cận và thực hiện.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; kêu gọi sự tham gia của cộng đồng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của công tác quan trắc môi trường phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và kiểm soát môi trường.
Đẩy mạnh chính sách thu hút xã hội hóa công tác xử lý chất thải, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; xử lý nước thải tại các đô thị. Hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp, dự án phải thực hiện đầu tư các hệ thống xử lý nước thải cho các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Qua đó, Long An luôn mong muốn cải thiện các vấn đề môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng cảnh quan; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích đổi mới phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững, thúc đẩy đầu tư xanh có chất lượng cao, bảo đảm sự phát triển xanh, bền vững cho địa phương, cho cả vùng và cả nước./.
Trường Giang - Mai Hương