Tiếng Việt | English

26/02/2024 - 21:26

Nâng đỡ tinh thần trong chăm sóc sức khỏe

Trong chăm sóc sức khỏe thì yếu tố tinh thần vô cùng quan trọng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật. (Health is a state of complete physical, mental and social well-being and not merely the absence of disease or infirmity).

Có 4 yếu tố môi trường tác động lên sức khỏe là hóa học, lý học, sinh học và xã hội, trong đó, yếu tố xã hội là quan trọng nhất và khó kiểm soát nhất. Vì lẽ đó, bức ảnh “Kền kền chờ đợi” của Kevin Carter được trao giải Pulitzer năm 1994 ghi lại khoảnh khắc một em bé ở Sudan sắp chết đói đang cố lết về phía trại phân phát lương thực của Liên hợp quốc cách em khoảng một kilomet. Sau lưng em, một con kền kền đang chờ em chết để ăn thịt. Bức ảnh khiến cả thế giới bàng hoàng. Không ai biết điều gì xảy ra với em sau đó. Cả nhiếp ảnh gia cũng không biết bởi anh rời đi sau khi chụp ảnh. Nhiều người lên án sự lạnh lùng sau ống kính của tác giả. Ba tháng sau khi chụp bức ảnh này, nhà nhiếp ảnh Kevin Carter đã tự tử vì trầm cảm. Phút xuất thần ghi lại bức ảnh đã đưa Kevin Carter lên đỉnh vinh quang, nhưng cũng những lời lên án khiến trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ nhiếp ảnh gia ngừng đập.

Vì quan trọng yếu tố tâm linh nên trong các nhà thương được xây từ thời Pháp như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chợ Quán luôn có tượng Đức Mẹ, để bệnh nhân hay người nhà của họ trong cơn tuyệt vọng tìm đến đây xin ơn trên che chở, để có niềm tin vượt qua đau đớn thể xác, chiến thắng bệnh tật.

Trên thực tế đã có những ca lâm sàng khoa học không giải quyết được, bệnh nặng xin về nhưng được sự chăm sóc, thương yêu, nâng đỡ tinh thần tốt của gia đình kết hợp với phương pháp dinh dưỡng lành mạnh, đời sống đức tin thánh thiện đã giúp bệnh nhân dần bình phục và như có phép nhiệm màu, có trường hợp bệnh nhân sống lại.

Một đặc thù của nghề y là có những điều bệnh nhân không thể tâm sự với cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái họ nhưng lại chia sẻ với bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng vì họ mong muốn chúng ta có kiến thức chuyên môn giúp đỡ họ vượt qua khủng hoảng về bệnh tật. Vì vậy, nhân viên y tế phải tôn trọng và thương yêu bệnh nhân, giữ bí mật thông tin về sức khỏe của họ, không lợi dụng nghề nghiệp mà làm những việc trái đạo lý.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, chính bệnh nhân phải ký cam kết: “Tôi đồng ý tham gia cuộc phẫu thuật này”, trừ trường hợp bệnh nhân hôn mê bất tỉnh hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì người nhà mới được ký cam kết. Đây là một thủ tục giúp bác sĩ tránh khỏi sự kiện tụng phi lý khi ca phẫu thuật bất thành; đồng thời, cũng cho thấy bệnh nhân đã tin tưởng phó thác mạng sống cho bác sĩ.

Về tâm lý, các bác sĩ sẽ rất tự tin tiến hành mổ khi được bệnh nhân đặt trọn niềm tin tưởng. Một ca ghép thận mà tôi nhớ suốt đời: Người cha nông dân ngoài 70 tuổi chạy xe máy từ Long An lên TP.HCM, rút máu thử HLA (kỹ thuật Human Leucocyte Antigen đánh giá phù hợp kháng nguyên bạch cầu giữa người hiến và người nhận trong ghép tạng) sàng lọc để cho con quả thận. Ông tâm sự với tôi (khi ấy tôi là nhân viên xét nghiệm): “Cô lấy máu tôi thử sao cho hòa hợp để ghép cho con tôi. Tôi già rồi chết cũng không sao, nó còn trẻ phải sống để nuôi con của nó”.

Rơi nước mắt trước tấm lòng vĩ đại của người cha yêu con hơn mạng sống của mình và ca ghép thận đã thành công. Tôi nghĩ sự thành công này ngoài việc nhờ chuyên môn giỏi của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy còn nhờ sự tin tưởng hoàn toàn vào bàn tay phẫu thuật tài ba của bác sĩ.

Ở nhiều quốc gia, trong lễ tốt nghiệp sinh viên y khoa đọc lời thề Hypocrates: “Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy gì trong xã hội, trong và cả ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ” và “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”.

Một phiên bản khác: “Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông và sự hiểu biết, điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ”.

Trong thư Bác Hồ gửi cán bộ ngành Y tế ngày 27/02/1955 có câu “Lương y phải như từ mẫu”. Kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhân viên y tế chúng ta cùng nhắc nhở nhau đặt quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết!./.

DSCKII. Lý Thị Nhất Định

Chia sẻ bài viết