(Nguồn: DES)
Ngày 08/3, theo kế hoạch, 11 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ chính thức ký kết để hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019.
Sau quyết định đầy bất ngờ của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 01/2017 rút Mỹ khỏi TPP, 11 nước còn lại (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) đã gặp nhau tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng (Việt Nam) tháng 11/2017, để đi đến thỏa thuận duy trì thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương đầy tham vọng này mà không có Mỹ.
Ngoài việc nhất trí đổi tên thành CPTPP, 11 nước đã phải vượt qua nhiều bất đồng để hoàn tất và công bố CPTPP trên cơ sở “tạm đình chỉ” 22 điều khoản của TPP trong một số lĩnh vực như dược phẩm, quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ hay chế độ cung ứng cho khu vực nhà nước..., vốn chủ yếu do Mỹ đề xuất.
Song song với quá trình 11 nước đàm phán để điều chỉnh TPP thành một thỏa thuận mang tính toàn diện hơn, Mỹ đã nhiều lần thể hiện lập trường sẵn sàng cân nhắc khả năng tham gia trở lại.
Tháng 01/2018, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Trump tuyên bố Washington có thể quay trở lại hiệp định này nếu có một thỏa thuận tốt hơn. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng thông báo tại một hội nghị đầu tư hồi cuối tháng 2 vừa qua rằng việc thương lượng lại hiệp định thương mại TPP "một lần nữa đã được đặt lên bàn."
Sự ủng hộ đối với CPTPP cũng đến từ ngay trong nước Mỹ. 25 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa đã đồng ký thư gửi Tổng thống Donald Trump bày tỏ ủng hộ tuyên bố gần đây của ông rằng có thể xem xét việc Washington tham gia trở lại CPTPP nhằm mang lại một thỏa thuận tốt hơn cho nước Mỹ.
Các thượng nghị sỹ cho rằng việc tăng cường liên kết kinh tế với 11 nước tham gia CPTPP hiện nay có thể sẽ làm tăng sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, tạo hàng triệu việc làm, tăng cường xuất khẩu, tăng thu nhập của người lao động, giải phóng hoàn toàn tiềm năng năng lượng của Mỹ và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Việc gia tăng tiếp cận thị trường và khu vực có dân số lên tới gần 500 triệu người có thể tạo ra các lợi ích lan tỏa cho kinh tế Mỹ.
Trên thực tế, các tập đoàn đa quốc gia lớn của Mỹ lâu nay đã hưởng nhiều lợi ích của quá trình toàn cầu hóa, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng liên kết với nhau chặt chẽ hơn và mỗi sản phẩm đều nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Giới phân tích đánh giá “sự hồi sinh” của TPP dưới hình thức mới CPTPP có chất lượng hơn đang tác động tới giao thương của Mỹ với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở vòng cung Thái Bình Dương.
Việc Mỹ “vắng mặt” trong một thỏa thuận thương mại như vậy, dù ít hay nhiều, vô hình trung cũng đã đẩy các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ra xa Mỹ. Nền kinh tế số một thế giới vì thế sẽ bở lỡ cơ hội cạnh tranh, đồng thời tạo thêm rào cản cho thương mại trong nước.
Không những thế, việc Mỹ rút lui khỏi TPP đã giúp Nhật Bản có nhiều “không gian” hơn để thể hiện vai trò chủ động dẫn dắt của mình trong việc bảo toàn và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại quy mô toàn khu vực. Trong khi đó, CPTPP dù không có Mỹ, đã tạo được sức hút và ảnh hưởng nhất định khi nhiều nền kinh tế lớn, như Anh, nhanh chóng bày tỏ sự quan tâm đối với thỏa thuận này.
Chưa kể việc rút khỏi TPP phần nào khiến vị thế và vai trò của Mỹ trong khu vực châu Á bị ảnh hưởng, khi mà khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra cho thấy Washington vẫn hết coi trọng châu Á, khu vực ngày càng chứng tỏ được sức mạnh của mình trên thế giới.
Những yếu tố này đang buộc Mỹ phải thừa nhận tầm quan trọng của CPTPP và cân nhắc việc tham gia thỏa thuận. Ông Zachary Torrey, chuyên gia phân tích an ninh và kinh tế châu Á, đánh giá: “không thể chối cãi là ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á đang suy giảm nhanh chóng, và việc Mỹ trở lại CPTPP có thể thay đổi đáng kể tình trạng này."
Ở chiều ngược lại, sự tham gia của Mỹ sẽ giúp CPTPP chiếm gần 40% GDP của thế giới và khoảng 30% tổng giá trị thương mại toàn cầu.
Đối với 11 nước tham gia đàm phán CPTPP, việc tiếp cận thị trường Mỹ là điểm hấp dẫn chính. Giáo sư kinh tế thuộc Trường Kinh doanh thuộc Đại học Sunway của Malaysia, Yeah Kim Leng cho rằng "việc nền kinh tế lớn nhất thế giới tham gia hiệp định thương mại này sẽ giúp nâng cao tầm ảnh hưởng của hiệp định, và gia tăng lợi ích thương mại và đầu tư mà các nước nhỏ hơn đang tìm kiếm."
Đây là yếu tố khiến 11 nước tham gia đàm phán CPTPP ngay từ đầu đã để ngỏ cánh cửa cho Mỹ khi chỉ “tạm đình chỉ” 22 điều khoản của TPP mà Mỹ đề xuất chứ không hủy bỏ. Chính trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản về CPTPP Kazuyoshi Umemoto cũng khẳng định một trong những lý do chính để duy trì khác biệt giữa TPP và CPTPP ở mức tối thiểu là nhằm thu hút Mỹ quay lại.
Tuy nhiên, kể cả khi Mỹ quyết định trở lại, không có gì đảm bảo rằng việc đàm phán sẽ diễn ra suôn sẻ. Tổng thống Chile Michelle Bachelet nói rằng các thành viên CPTPP sẽ hoan nghênh Mỹ trở lại nhưng Washington sẽ phải chấp nhận các điều khoản của hiệp định sửa đổi.
Còn theo Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker, triển vọng Mỹ quay lại trong vài năm tới “rất khó xảy ra” và ngay cả khi Washington sẵn sàng tham gia cũng không có gì bảo đảm rằng các thành viên khác sẽ đồng ý áp dụng trở lại những “điều khoản treo.” Ông Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Nhật Bản phụ trách TPP thì tuyên bố: “Các điều khoản của CPTPP 11 đã được quyết định, và chúng tôi nghĩ rằng ưu tiên lúc này là đưa CPTPP 11 vào thực thi." Trong trường hợp Mỹ tham gia CPTPP, các bên sẽ phải thể hiện sự nhượng bộ và mềm dẻo trong đàm phán.
Giáo sư Kenichi Kawasaki, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách sau đại học ở Tokyo, nhận định: "CPTPP là thỏa thuận tiến bộ. Đó là lý do hiệp định này có thể kết nạp thành viên mới, và thay đổi trong thỏa thuận là điều có thể xảy ra.”
Quan trọng là Mỹ thấy được lợi ích của việc tham gia CPTPP, và 11 nước đàm phán CPTPP sẽ có được nhiều lợi ích nhờ sự tham gia của Mỹ./.
Theo TTXVN