Những ngày qua, nhiều người đi đăng kiểm xe nhưng không được giải quyết vì còn lỗi phạt nguội chưa xử lý. Theo hướng dẫn của cơ quan đăng kiểm, chủ xe phải làm việc với CSGT, nộp phạt để được xóa lỗi, sau đó mới được đăng kiểm.

Nếu không nộp phạt vi phạm giao thông, người dân sẽ không được giải quyết cấp đổi bằng lái xe, đăng ký xe, nộp phạt vi phạm khác...
Tương tự, tại các điểm cấp đổi bằng lái xe, nhiều người đến làm hồ sơ trực tiếp cũng bị CSGT từ chối làm thủ tục vì hệ thống báo còn lỗi vi phạm chưa nộp phạt. Theo đó, CSGT sẽ thông báo cụ thể, lỗi vi phạm chưa xử lý là lỗi gì, phạt trực tiếp hay phạt nguội, đơn vị xác định vi phạm, địa điểm xử lý vi phạm... cho người đi làm thủ tục cấp đổi được biết.
Không chỉ vậy, một số người dân làm thủ tục cấp đổi bằng lái xe trực tuyến, bị hệ thống trả hồ sơ cũng vì chưa đóng phạt.
Bị CSGT phạt, không nộp phạt thì sao?
Theo lãnh đạo một đội CSGT, dù là bị CSGT lập biên bản phạt trực tiếp hay phạt nguội, nếu người vi phạm không nộp phạt vi phạm giao thông thì không được cấp đổi các giấy tờ liên quan đăng ký xe, cấp đổi bằng lái xe, không được đăng kiểm, không được đóng phạt ở nơi khác.
Điều này có nghĩa, trường hợp người vi phạm đang "dính" lỗi vi phạm giao thông ở đội A chưa đóng phạt, nhưng bị đội B phạt tiếp một lỗi khác thì bắt buộc người vi phạm phải đóng phạt ở cả hai nơi.

Dù là phạt trực tiếp hay phạt nguội, các lỗi vi phạm đều được CSGT update lên hệ thống kiểm soát chung
Tình huống này thường xảy ra với người vi phạm một số lỗi có mức phạt cao như: nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ... khi bị CSGT lập biên bản phạt thì bỏ xe và bỏ cả bằng lái xe. Tuy nhiên, hiện nay, nếu người vi phạm không đóng phạt vi phạm giao thông thì sẽ không thể làm các giấy tờ khác liên quan lĩnh vực giao thông.
Nộp phạt trễ phải đóng thêm tiền lãi
Cụ thể, tại điểm d khoản 2 Điều 43 luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, mà chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính, thì chưa được giải quyết đăng ký, đăng kiểm xe vi phạm.
Đồng thời, khoản 4 Điều 62 của luật này cũng quy định sẽ chưa cấp, đổi, cấp lại bằng lái xe đối với người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.

Đóng phạt vi phạm giao thông trễ, người dân sẽ phải đóng thêm tiền lãi
Bên cạnh đó, Thông tư 79/2024 về đăng ký xe quy định: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì chưa được giải quyết việc đăng ký phương tiện vi phạm.
Đối với ngăn chặn đăng kiểm, Nghị định 168/2024 quy định: Trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc trong thông báo của người có thẩm quyền xử phạt hoặc quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà chủ phương tiện vi phạm, người vi phạm chưa thực hiện giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định hoặc chưa chấp hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm (đối với phương tiện có quy định phải kiểm định), cơ quan đăng ký xe, cơ quan cấp giấy phép lái xe (nếu đã xác định được người vi phạm).
Việc gửi thông báo được thực hiện bằng văn bản hoặc thực hiện thông báo bằng phương thức điện tử thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.
Ngoài ra, theo luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung năm 2020: trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.
Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Như vậy, nếu không nộp phạt vi phạm giao thông, ngoài việc bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, người vi phạm còn bị tính thêm tiền chậm nộp phạt với công thức tính như sau: Số tiền nộp phạt = số tiền phạt chưa nộp + (số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x số ngày chậm nộp)./.
Theo Báo Thanh Niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/neu-khong-nop-phat-vi-pham-giao-thong-chuyen-gi-xay-ra-185250524101601944.htm