Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây tiếp tục căng thẳng mới trong những tuần gần đây xuất phát từ việc Nga đang có những động thái tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria.
Trước những thông tin Nga đang chuyển vũ khí đến Syria, Điện Kremlin tuyên bố rằng, Nga đang “cung cấp vũ khí và các trang thiết bị quân sự khác cho Syria” theo hợp đồng đã ký giữa hai nước trước đây và điều này phù hợp với luật pháp quốc tế.
Xe tăng Nga được cho là đã được chuyển đến Syria trong tuần qua.
Mỹ lo ngại về “mối đe dọa” của Nga ở Syria
Trong khi Moscow luôn bảo vệ tính hợp pháp đối với chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì Washington lại muốn lật đổ chính quyền hiện nay tại Syria.
Cho đến nay, Nga vẫn công khai ủng hộ chính phủ hiện tại ở Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin lý giải rằng, Nga đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố, cụ thể là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, cùng với chế độ của Tổng thống Assad.
Ngược lại, dù Washington có cùng mối quan tâm trong việc loại bỏ mối đe dọa từ IS, tuy nhiên Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã tuyên bố rằng, Washington sẽ không hợp tác với chính phủ Syria ngay cả trong cuộc chiến chống lại IS. Thay vào đó, Mỹ quan tâm đến quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria.
Sự khác biệt về quan điểm giữa Nga và Mỹ - hai quốc gia được cho là có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 4 năm qua tại Syria - khiến kết quả hợp tác giữa hai nước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria cho đến nay vẫn rất khiêm tốn.
Theo các nhà quan sát, điểm chung duy nhất mà 2 cường quốc này chia sẻ có lẽ là việc thừa nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa cuộc nội chiến ở Syria và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang lợi dụng rối ren để hoành hành tại quốc gia Trung Đông này.
Hiện Mỹ đang quan ngại về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Syria. Ngày 16/9, Reuters dẫn nguồn tin giấu tên tại Washington cho biết, Mỹ đã phát hiện một số máy bay Nga tại một sân bay ở Syria.
Theo nguồn tin trên, ít nhất 4 máy bay của Nga, trong đó có 1 máy bay quân sự đã xuất hiện tại sân bay Latakia của Syria. Hiện vẫn chưa rõ những chiếc máy bay này đến Syria lúc nào. Reuters cho biết vẫn chưa có thông tin cụ thể về loại trực thăng Nga xuất hiện tại sân bay nói trên.
Giới chức Mỹ cũng cáo buộc, Nga đã đưa 200 lính thủy đánh bộ, xe tăng, pháo và nhiều trang thiết bị quân sự đến sân bay Latakia - một trong hai sân bay quan trọng nhất mà chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad còn nắm quyền kiểm soát.
Lầu Năm Góc cho biết, việc Nga đưa các trang thiết bị quân sự và quân nhân đến Syria cho thấy, Nga đang chuẩn bị mở các chiến dịch quân sự tại nước này trong bối cảnh liên quân do Mỹ đứng đầu đang tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS.
Trước đó ngày 14/9, quan chức Mỹ cũng cho biết, 7 chiếc xe tăng T-90 của Nga đã xuất hiện gần sân bay Latakia. Ngoài ra, Nga cũng đưa một số loại pháo đến khu vực này nhằm bảo vệ quân nhân Nga đang làm việc trong sân bay.
Tuy nhiên, Đại sứ Syria tại Nga Riad Haddad sau đó bác bỏ những báo cáo là "không đúng sự thật".
Bên cạnh đó, tình báo Mỹ cho rằng, người Nga đang thiết lập một căn cứ không quân tại Syria và họ có thể sớm sử dụng nó cho nhiệm vụ bay chiến đấu. Theo Value Walk, Washington cũng có bằng chứng cho thấy Nga đang có kế hoạch triển khai các loại chiến đấu cơ Su-25 và MiG-31 tại Latakia trong vài tuần tới.
Cho đến nay, Tổng thống Nga Putin vẫn công khai việc ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad.
Ý định đằng sau việc gia tăng hiện diện quân sự của Nga tại Syria là gì?
Theo các nhà quan sát, Nga đang cho thấy ý định của mình tại Syria là nghiêm túc hơn bao giờ hết. Nếu như trước đây Nga thường thể hiện sự ủng hộ của mình với chính quyền của ông Assad bằng việc sử dụng quyền phủ quyết của mình ở Liên Hợp Quốc, thì giờ đây Nga đang biến lời nói thành hành động và sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho chính quyền Syria chiến đấu chống khủng bố.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao Nga không có bất kỳ động thái tương tự nào trước đây khi chế độ của Tổng thống Assad trải qua nhiều thời điểm khó khăn hơn bây giờ?
Lý giải cho câu hỏi này, nhiều chuyên gia cho rằng, ở vào thời điểm hiện nay dường như Nga cảm thấy cần thiết phải hành động chứ không phải chỉ dừng lại ở việc đưa ra những lời chỉ trích. Thực tế việc chỉ trích đã không cho thấy vai trò của chính sách đối ngoại Nga trong cuộc khủng hoảng ở Libya. Chính vì vậy, Kremlin cảm thấy cần phải “thay đổi chiến thuật” thời gian này.
Đặt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay, sự can thiệp của phương Tây vào những vấn đề của Syria sẽ có những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều đối với Nga. Mất Syria sẽ có nghĩa là Nga sẽ mất đi ảnh hưởng của mình ở Trung Đông. Đó là điều mà Kremlin không hề mong muốn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý rằng, trong “mọi trường hợp”, Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ cho chế độ của Tổng thống al-Assad bằng việc cung cấp viện trợ cho nước này bao gồm cả viện trợ quân sự.
Các phương tiện truyền thông phương Tây ngay lập tức đã diễn giải phát biểu của Tổng thống Nga như một động thái cho thấy Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến ở Syria.
Khi phương Tây đang coi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS là mối đe dọa chính ở Syria, động thái tăng cường sự hiện diện quân sự bất ngờ của Nga ở Syria có thể được giải thích theo một vài cách khác nhau.
Thứ nhất, có ý kiến cho rằng việc hiện đại hóa căn cứ quân sự tại Latakia có thể được dùng như một đối trọng với các căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ mà liên quân do Mỹ đứng đầu đang sử dụng để tiến hành các cuộc không kích chống IS. Thứ hai là phải chăng Nga đang tìm kiếm cơ hội để đàm phán với Mỹ trong việc hợp tác chống lại kẻ thù chung là IS.
Kịch bản thứ hai nhiều khả năng xảy ra hơn bởi việc Nga đề nghị hỗ trợ các loại vũ khí và các địa điểm quân sự được Nga trang bị trong cuộc chiến chống IS sẽ là một ý tưởng hấp dẫn đối với các quốc gia phương Tây.
Vào thời điểm hiện nay, có thể các nước phương Tây không sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với chính phủ Syria nhưng họ sẽ nói chuyện với các chế độ của Tổng thống al-Assad thông qua Nga.
Với cách này, Nga có thể tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria và giúp giảm áp lực đang đè nặng lên chính quyền của ông Assad./.
Nguyễn Hùng/VOV.VN