Tiếng Việt | English

23/01/2017 - 22:20

Nga đóng vai trò “môi giới quyền lực” trong cuộc hòa đàm Astana

Sức mạnh của Nga tại Syria sẽ được trắc nghiệm tại cuộc hòa đàm Astana khi Nga là một nước tham chiến chuyển sang vai trò "môi giới quyền lực".

Nỗ lực mới nhất do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng về việc tổ chức các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thê lương kéo dài sáu năm tại Syria sẽ bắt đầu vào ngày hôm nay (23/1) tại thủ đô Astana (Kazakhstan).


Những tòa nhà đổ nát do các cuộc không kích tại thành phố Aleppo. Ảnh: AFP/Getty Images

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp tổ chức cuộc đàm phán này với sự ủng hộ của Iran và đây là nỗ lực mới nhất nhằm đưa cuộc xung đột tại Syria quay trở lại bàn đàm phán.

Cuộc chiến tranh tại Syria đã cướp đi hơn 500.000 sinh mạng và khiến một nửa dân số Syria trước chiến tranh là khoảng 22 triệu người phải tha hương. Những nỗ lực trước đây nhằm chấm dứt giao tranh đã đem lại ít kết quả do bị cản trở bởi nhiều yếu tố như từ thiếu niềm tin hay không có sự thiết tha thực sự vào đàm phán cho đến sự vắng mặt của những cường quốc tham gia và các thế lực nước ngoài ủng hộ cuộc chiến tại Syria.

Nỗ lực mới này được đưa ra sau khi sự thay đổi lớn về cán cân quyền lực trên mặt trận ở Syria đã mở đường cho các cuộc đàm phán mới. Cuộc đàm phán này nối tiếp lệnh ngừng bắn có hiệu lực trên khắp Syria kể từ cuối tháng 12/2016.

Tại sao vào lúc này?

Vào cuối năm ngoái, phe đối lập của Syria đã mất sự kiểm soát phía Đông Aleppo, một căn cứ địa lớn cuối cùng của phe này ở thành thị. Kể từ năm 2012, thành phố Aleppo, trung tâm văn hoá và chính trị của Syria một thời, đã bị chia cắt thành hai chiến tuyến giữa một bên là của quân chính phủ và một bên do phiến quân nắm giữ.

Các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad cuối cùng đã phá vỡ thế bế tắc này bằng chiến dịch vây hãm khốc liệt kéo dài hàng tháng trời. Sau nhiều cuộc không kích do quân chính phủ phối hợp cùng quân đồng minh của Nga và với sự yểm trợ của các đội quân được Iran hỗ trợ, quân chính phủ đã đánh chiếm được miền Đông Aleppo vào cuối năm ngoái.

Đây là một cú huých lớn có lợi cho Tổng thống Assad kể từ sau khi quân chính phủ năm 2015 mất quyền kiểm soát Damascus và có thể toàn bộ Syria trong nhiều tuần lễ. Các thế lực nước ngoài ủng hộ phe đối lập và từng đưa yêu sách đòi Tổng thống Assad từ chức như là một điều kiện để lập lại hoà bình đã nhận ra rằng đó không còn một yêu sách có tính khả thi về mặt chính trị.

Việc tỉ phú Donald Trump được lựa chọn làm Tổng thống Mỹ càng làm suy yếu tiền đồ của phe đối lập. Người tiền nhiệm của ông Trump, cựu Tổng thống Barack Obama, phản đối kịch liệt Tổng thống Assad và tiến hành hỗ trợ nhất định về chính trị và quân sự cho "phe đối lập ôn hoà”. Trái lại, tân Tổng thống Mỹ tuyên bố trọng tâm chính sách của mình ở Syria sẽ là đánh Nhà nước Hồi giáo (IS) và tăng cường phối hợp với Nga để đạt được mục tiêu này.

Đồng thời, đồng minh của Tổng thống Assad, cụ thể là Nga, ngày càng lo ngại về chi phí chính trị và tài chính cho sự tham chiến tại Syria. Moscow muốn tập trung vào đánh IS và hiện nay khi quyền lực của ông Assad được bảo đảm thì đây là thời điểm để Nga xem xét những thoả hiệp về kiến thiết tương lai cho Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, một bên ủng hộ chính cho các phe đối lập, cũng tỏ rõ mong muốn cố gắng tiến tới một thoả thuận hoà bình. Ankara đang trong giai đoạn hàn gắn mối quan hệ với Nga và dường như cũng nhận thấy rằng Tổng thống Assad sẽ trụ vững nên thay vào đó tập trung vào việc hạn chế những tác động từ cuộc chiến tranh Syria có thể lan sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận trên 2,8 triệu người tị nạn Syria, và điều này tăng sức ép về mặt tài chính đối với nước này. Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành một tiêu điểm tấn công lớn của IS, như vụ xả súng tại câu lạc bộ đêm ở Istanbul vào đêm trước năm mới và các cuộc khủng bố này đă gieo nỗi sợ hãi cho người dân và gây thiệt hại cho ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara còn lo ngại rằng sự nổi dậy ngày càng mãnh liệt của người Kurd sẽ được tiếp "lửa” từ chiến thắng của người Kurd Syria trong cuộc chiến chống IS dọc biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ.

Ai sẽ tham dự đàm phán?

Các bên tham gia chính trong cuộc chiến tranh tại Syria, gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, sẽ có mặt tại cuộc hoà đàm Ansata giữa đại diện của chính quyền Syria và các nhóm đối lập.

Theo dự đoán, Nga sẽ đối mặt với một loạt các thách thức mới khi cố gắng chuyển từ vai trò là bên tham chiến sang vai trò trung gian để tiến tới một thoả thuận hoà bình.

Mohammed Alloush, trưởng phái đoàn của phe đối lập đại diện cho 12 nhóm tại Syria, cho biết nếu Nga thất bại trong việc tạo sức ép đối với Iran và chính phủ Syria để chấm dứt cái mà phe đối lập cho rằng tình trạng vi phạm lan tràn lệnh ngừng bắn đã được thoả thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đề xướng thì điều đó sẽ làm mất ảnh hưởng của Nga tại Syria.

Phát biểu tại thủ đô Kazakh, Alloush cho biết: "Đây thực sự là một trắc nghiệm về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Nga đối với chính phủ Syria và Iran trong vai trò là bên bảo lãnh thoả thuận ngừng bắn. Nếu Nga không hoàn thành sứ mệnh này, Nga sẽ đối mặt với những thất bại lớn hơn."

Các phe đối lập tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp hay gián tiếp về việc vi phạm lệnh ngừng bắn và con đường tiếp tế nhân đạo.

Ai sẽ vắng mặt?

Cho dù có sự tham gia của các phái đoàn "nặng ký” từ Moscow, Ankara và Damascus, một vài bên liên quan trực tiếp vào cuộc chiến tại Syria sẽ không có mặt tại Astana.

Mỹ, EU và Saudi Arabia hầu như đứng ngoài lề tại cuộc hoà đàm này. Trước lễ nhậm chức của Tổng thống Trump, Moscow đã gửi thư mời vào phút chót đến quan chức Mỹ. Song tân Tổng thống Mỹ từ chối cử phái đoàn Mỹ tham dự cuộc hoà đàm này. Trước đó, Iran đã phản đối việc mời Mỹ vì cho rằng Mỹ không đóng vai trò "xây dựng” trong cuộc chiến tại Syria.

Thành phần vắng mặt đáng chú ý nhất có lẽ là IS. Nhóm này chưa bao giờ được mời hay kỳ vọng tham gia, song sự vắng mặt của chúng cho thấy bất kỳ thoả thuận đem lại hoà bình cho phần lớn Syria sẽ không có nghĩa là cuộc chiến tại nước này chấm dứt.

Sau hai năm hứng chịu các cuộc không kích do Mỹ cầm đầu, IS có thể đang bị đẩy lui và mất dần lãnh thổ vào tay phiến quân song chưa tàn lụi.

IS có những chiến binh dày dặn, am tường về công nghệ và còn nguồn thu nhập đều đặn từ việc bán năng lượng. Việc IS gần đây chiếm lại thành phố lịch sử Palmyra chỉ một vài tháng sau khi dân chúng ăn mừng khi thành phố này được quân đội Nga giải phóng là một minh chứng cho thấy nhóm này vẫn có thể hoành hành trên chiến trường Syria.

Hai nhóm đối lập lớn nhất cũng sẽ vắng mặt là Ahrar al-Sham (còn có tên khác là Phong trào của người Syria Tự do) và nhóm Jabhat Fateh al-Sham (trước đây được biết dưới tên gọi Mặt trận Al-Nusra và có liên kết với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda).

Các lực lượng người Kurd cũng không có mặt tại cuộc họp này mặc dù lực lượng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chống IS.

Các bên ủng hộ phe đối lập cũng không được chào đón tại Astana. Thứ trưởng Ngoại giao Syria vào tuần trước cho biết Saudi Arabia và Qatar chỉ được xem xét mời khi ngừng hỗ trợ cho lực lượng dân quân.

Liệu cuộc hoà đàm Astana có mở đường cho việc chấm dứt cuộc chiến tại Syria?

Cuộc hoà đàm Ansata được kỳ vọng là một bước tiến mới dù nhỏ nhất cho một quá trình đàm phán lâu dài để tiến tới chấm dứt cuộc chiến cực kỳ phức tạp tại Syria.

Theo dự đoán, lệnh ngừng bắn có thể được kéo dài tại vòng đàm phán này. Triển vọng này sẽ giúp cứu vớt nhiều sinh mạng trong thời hạn ngắn song khó có thể giải quyết những vấn đề lớn hơn của cuộc xung đột này.

Song nếu các bên có thể tiến tới một thoả thuận về hoà bình tại Syria , thì việc vắng mặt của hai nhóm đối lập có ảnh hưởng lớn nhất và nhóm người Kurd sẽ đặt dấu hỏi lớn về việc thực thi thoả thuận này.

Ngoài ra, hoà bình dù đạt được cũng chưa chắc đồng nghĩa với việc chấm dứt của cuộc khủng hoảng di cư tại Syria. /.

CTV Xuân Hương/VOV.VN/Theo The Guardian

Chia sẻ bài viết