Triển khai Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ được ký ngày 25/11/2014 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong các ngày từ 5-6/11 tại Moscow, Nga đã diễn ra khóa họp lần thứ I Ủy ban hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ Nga-Việt.
Toàn cảnh khóa họp lần thứ Nhất Ủy ban hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ Nga-Việt.
Phía Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh làm trưởng đoàn và phía Nga do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Veniamin Kaganov làm trưởng đoàn tham dự phiên họp.
Trong không khí hữu nghị và hợp tác, hai bên đã trao đổi thông tin về tình hình, tiềm năng và kế hoạch phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ của Liên bang Nga và Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời thảo luận và thống nhất nhiều nội dung nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ.
Về hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, hai bên đặc biệt nhấn mạnh đến mô hình hợp tác giữa hai nước thông qua Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga, đánh giá cao nền tảng cơ sở nghiên cứu của Liên hợp viện nghiên cứu hạt nhân tại thành phố Dubna là tiền đề cho việc phát triển quan hệ hợp tác khoa học kỹ thuật trong thời kỳ mới và mở ra các cơ hội phát triển giáo dục, đào tạo.
Hai bên đã thảo luận các định hướng ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, về kết quả giai đoạn 1 của quy trình tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chung để cùng cấp kinh phí thực hiện theo Nghị định thư về cùng công bố tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chung ký ngày 16/9/2013.
Ký Biên bản và Quy chế làm việc của Ủy ban hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ Nga - Việt
Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, hai bên hài lòng ghi nhận nỗ lực của hai nước trong việc phát triển hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học. Trên cơ sở các Hiệp định và các thỏa thuận hợp tác đã ký, Chính phủ Liên bang Nga cấp cho Việt Nam 795 chỉ tiêu học bổng Hiệp định trong năm học 2015 - 2016 và dự kiến từ 800-1.000 chỉ tiêu học bổng trong năm học 2016 - 2017.
Hai bên nhất trí phát huy những thành tựu đã đạt được trong giáo dục thời gian qua và thảo luận, thống nhất phối hợp phát triển việc dạy tiếng Nga tại Việt Nam và tiếng Việt tại Liên bang Nga; thúc đẩy hoạt động của Phân viện tiếng Nga Pushkin và việc thành lập trường Đại học công nghệ Việt - Nga tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá cao ý nghĩa của khóa họp đầu tiên của Ủy ban nhằm cụ thể hóa thỏa thuận đã đạt được giữa 2 nước, đồng thời cho biết: “Chúng tôi lấy làm phấn khởi vì sự đổi mới từ phía bạn, cải cách luật văn bản trong lĩnh vực giáo dục đào tạo theo hướng để nâng tầm trình độ công nghệ, như tiềm lực của các bạn Nga đã có lên tầm thế giới. Cùng với đó khoa học công nghệ cũng được tập trung cho việc thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đây cũng là những điểm chỉ đạo cao nhất từ Đảng, chính phủ, nhà nước Việt Nam chúng ta đối với cả 2 lĩnh vực.”
Thứ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tiếp: “Đối với giáo dục đào tạo là đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ theo tinh thần nghị quyết 29 của Trung ương 8 khóa 11. Đối với khoa học - công nghệ, chúng ta cũng đang sửa đổi Luật khoa học công nghệ năm 2013 theo hướng giảm các thủ tục hành chính và tạo được môi trường, cũng như động lực sáng tạo nhất cho các nhà khoa học Việt Nam. Các nhiệm vụ được xác định kỳ này cũng tập trung giải quyết những vấn đề mà Việt Nam ta cần mà bạn lại có thế mạnh và chúng ta đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các bộ ngành, cũng như các nhà khoa học Nga tham gia chung trong các nhiệm vụ của Việt Nam”.
Nâng cốc chúc mừng thành công của kỳ họp.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học LB Nga Veniamin Kaganov đánh giá khóa họp đầu tiên của Ủy ban hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ Nga - Việt là sự khởi đầu hướng tới tương lai.
Ông đồng thời bày tỏ:“Tôi rất cảm ơn những đồng nghiệp của tôi, những người đại diện cho cả Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ của Việt Nam, đã đem đến kỳ họp những đề nghị đã được chuẩn bị rất kỹ, những vấn đề nhận được sự thấu hiểu của cả 2 bên. Những đại diện của Bộ Giáo dục và Khoa học Nga, cũng như các cơ quan, ban ngành khác của phía Nga, đã tham gia tích cực vào khóa họp. Chúng tôi đã đạt được hiệu quả cao và tạo được động lực cho khóa họp tiếp theo tại Việt Nam, tuy nhiên cho đến lúc đó chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm”.
Cuối khóa họp, hai bên đã ký Biên bản và Quy chế làm việc của Ủy ban hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ Nga - Việt. Trong khuôn khổ của khóa họp, cũng diễn ra Hội thảo bàn tròn về hợp tác khoa học - kỹ thuật giữa Liên bang Nga và Việt Nam./.
Thành Phương/VOV-Moscow