Tiếng Việt | English

23/10/2021 - 06:21

Nga, Ukraine ghi nhận số ca mắc mới và ca tử vong ở mức kỷ lục

Nga và Ukraine nằm trong nhóm các quốc gia đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới nghiêm trọng nhất từ trước tới nay do tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 quá thấp.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại ga tàu hỏa ở Moskva, Nga, ngày 19/10/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại ga tàu hỏa ở Moskva, Nga, ngày 19/10/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nga và Ukraine, hai quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 thấp tại châu Âu, đều đang trải qua làn sóng dịch nghiêm trọng chưa từng thấy, với số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng lên các mức cao mới trong những ngày qua.

Cụ thể, ngày 22/10 là ngày thứ 4 liên tiếp Nga ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 trong một ngày tăng lên mức cao chưa từng thấy, với 1.064 ca.

Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới lập kỷ lục, với 37.141 ca. Hiện, Nga ghi nhận tổng cộng hơn 8,16 triệu ca, trong đó có hơn 228.400 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi khi vẫn còn khoảng một tuần nữa biện pháp đóng cửa các cơ quan công sở trên cả nước theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin mới có hiệu lực.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định quyết định của Tổng thống Putin về việc áp dụng biện pháp mới từ ngày 30/10-7/11 sẽ tạo cơ hội để bẻ gãy chuỗi lây nhiễm virus hiện nay. Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận tình hình dịch bệnh COVID-19 đang "đặc biệt khó khăn."

Ông Peskov cũng cho biết hiện Chính phủ Nga chưa xem xét các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhưng với tình hình hiện nay, "không ai chắc chắn biểu đồ dịch bệnh sẽ diễn biến thế nào."

Ông cũng không loại trừ khả năng các biện pháp khác sẽ tiếp tục được triển khai sau ngày 7/11 nếu cần thiết đồng thời tái khẳng định tình hình diễn biến xấu do ý thức đi tiêm phòng của người dân chưa cao.

Theo người phát ngôn này, chương trình tiêm phòng tại Nga diễn ra chậm trễ hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu.

Trên thực tế, trong khi ngày càng ít người đi tiêm phòng thì lại có ngày càng nhiều người nhiễm virus, đặc biệt là khi các biến thể mới nguy hiểm hơn của virus xuất hiện.

Tổng thống Putin cũng cho phép chính quyền các địa phương tự quyết các biện pháp hạn chế bổ sung tùy theo tình hình từng nơi.

Thủ đô Moskva đã yêu cầu những người dân trên 60 tuổi ở nhà 4 tháng nếu chưa được tiêm phòng và áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ ngày 28/10, theo đó chỉ có các cửa hàng bán đồ thiết yếu như siêu thị và nhà thuốc mới được hoạt động.

Tại Ukraine, sau thời gian lắng dịu trong mùa Hè, tình hình dịch COVID-19 lại căng thẳng với số ca mắc mới tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Nhiều trường học tại các điểm nóng dịch bệnh đã phải đóng cửa từ ngày 22/10 và đây cũng là ngày Ukraine ghi nhận thêm một kỷ lục mới về số ca tử vong, với 614 ca trong 24 giờ qua.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Kiev, Ukraine, ngày 7/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Kiev, Ukraine, ngày 7/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cụ thể, các trường học ở thủ đô Kiev bắt đầu đóng cửa trong 2 tuần trong khi các trường học ở những vùng đỏ (có tỷ lệ lây nhiễm cao) cũng chỉ được phép mở cửa trở lại nếu tất cả các giáo viên trong trường đều được tiêm phòng đầy đủ.

Hiện, nguồn cung vaccine và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng tại Ukraine đang thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Âu. Đến nay, mới chỉ có 6,8 triệu trong tổng số 41 triệu người dân được tiêm phòng đầy đủ.

Các quốc gia ở Đông Âu là những nơi ghi nhận tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất trên toàn châu lục.

Một số quốc gia trong nhóm này đã chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, trong đó có nước ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới trong những ngày gần đây

Nhằm thúc đẩy tiêm phòng, Ukraine đã yêu cầu các nhân viên chính phủ phải tiêm vaccine, những người dân chưa tiêm sẽ gặp phải một số hạn chế khi tới nhà hàng, địa điểm thể thao và các sự kiện công cộng.

Bộ trưởng Y tế Ukraine Viktor Lyashko cho biết quốc gia này đã nhận khoảng 25 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và dự kiến nhận thêm 16 triệu liều vào cuối năm nay.

Ngoài ra, chính phủ cũng đã đảm bảo một số nguồn cung oxy bổ sung từ các quốc gia láng giềng như Ba Lan. Nhiều địa điểm tiêm chủng mới cũng được thiết lập, bao gồm cả các địa điểm ở các ga tàu.

Đến nay, Ukraine ghi nhận tổng cộng khoảng 2,72 triệu ca mắc, trong đó có 63.003 ca tử vong./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết